Các đại biểu nhất trí với Báo cáo tổng kết, đánh giá của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học và Công nghệ. Theo đó, dự án đường Hồ Chí Minh là tuyến đường quan trọng Quốc gia, tạo sự liên thông ở khu vực phía Tây Tổ quốc và sự liên hệ chặt chẽ ba miền Bắc - Trung- Nam, góp phần hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển một vùng đất đai rộng lớn, giàu tiềm năng ở phía Tây Tổ quốc, thực hiện điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, phân bố lại dân cư và lực lượng lao động trong phạm vi cả nước, góp phần tích cực vào chương trình xoá đói giảm nghèo. Dự án đã được Quốc hội khóa 11 thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2004, có chiều dài 3.183km, điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km. Được điều chỉnh theo Nghị quyết số 66 của Quốc hội khóa 13 phân kỳ đầu tư thì đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô hai làn xe với chiều dài khoảng 2.744km.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận hạn chế là: Kết thúc thời gian thực hiện Dự án theo Nghị quyết của Quốc hội, đường Hồ Chí Minh chưa hoàn thành mục tiêu là nối thông toàn tuyến, theo đó chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171km còn lại.
Để tiếp tục thông toàn tuyến, Chính phủ đã xây dựng kế hoạch thực hiện nốt 171km còn lại theo hướng: Bố trí vốn đầu tư triển khai hai dự án đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận trong giai đoạn 2021 - 2025, còn lại đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến dài 87,5km với định mức đầu tư 5.200 tỉ đồng chưa được bố trí trong giai đoạn này mà chuyển sang giai đoạn 2026 – 2030. Như vậy, theo các đại biểu Quốc hội trong tổ thảo luận cho rằng là không phù hợp vì qua 5 khóa Quốc hội (từ 11 đến 15) tuyến đường Hồ Chí Minh, một dự án quan trọng Quốc gia vẫn không được thông tuyến đúng với Nghị quyết đề ra. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thành Nam - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị bổ sung đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021 – 2025.
Về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, các đại biểu cơ bản đồng tình về việc cần thiết ban hành Nghị quyết và cho rằng: Tỉnh Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền. Nghị quyết ban hành nhằm quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.