Thanh Ba là huyện miền núi trung du phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, với diện tích 19.484,9ha, dân số gần 120.000 người, huyện có 19 đơn vị hành chính, gồm 01 thị trấn Thanh Ba và 18 xã. Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của huyện có những bước phát triển khá, an ninh - quốc phòng được đảm bảo. Năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1.810 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 42,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,64% (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2021 - 2025), có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là những kết quả minh chứng cho quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong huyện, đặc biệt là sự đóng góp không nhỏ của HĐND huyện Thanh Ba thông qua việc ban hành nhiều nghị quyết thiết thực, tổ chức hoạt động giám sát chất lượng và giải quyết hiệu quả những vấn đề mà cử tri quan tâm.
Nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND huyện Thanh Ba bầu đủ 35 đại biểu đảm bảo cơ cấu, số lượng. Tại kỳ họp thứ Nhất, HĐND huyện bầu Chủ tịch HĐND huyện, 01 Phó Chủ tịch HĐND huyện. HĐND huyện có 2 ban là Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Pháp chế, mỗi ban có 01 Trưởng Ban và 01 Phó Trưởng Ban. Chất lượng đại biểu HĐND huyện được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu phát triển và sự kỳ vọng của cử tri.
Quyết định là một trong hai chức năng cơ bản của HĐND và được thể hiện dưới hình thức là các nghị quyết được thông qua tại các kỳ họp thường lệ hoặc chuyên đề. Phần lớn các nghị quyết trước khi trình HĐND huyện được tiến hành theo quy trình chặt chẽ từ việc chuẩn bị dự thảo đến việc thẩm định về mặt pháp lý, nội dung. Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định tại các kỳ họp từng bước được cải tiến; phát huy vai trò của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND huyện. Đặc biệt là lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân nên chất lượng các quyết sách của HĐND huyện ngày càng đi vào thực chất, tiếp thu được nhiều ý kiến của cử tri và các cơ quan chuyên môn, làm rõ những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau trước khi đưa ra quyết định. Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp HĐND huyện luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể.
Chất lượng các nghị quyết của HĐND huyện có vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng hoạt động của HĐND huyện, đặc biệt là việc ban hành các nghị quyết chuyên đề. Tại kỳ họp thứ Ba, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra vào tháng 12/2021, HĐND huyện xem xét, thảo luận 16 Nghị quyết, trong đó có nhiều Nghị quyết chuyên đề quyết định các chương trình, đề án, quy định cơ chế mang tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội để thực hiện trong nhiệm kỳ như: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về tiếp tục nâng cao chất lượng trường học đạt chuẩn quốc gia gắn với xã hội hoá giáo dục; Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ phát triển nông nghiệp hàng hoá ứng dụng công nghệ cao; Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây dựng nhà văn hoá khu dân cư giai đoạn 2021- 2025; quyết định chủ trương đầu tư dự án Tuyến đường kết nối mở rộng thị trấn Thanh Ba đi đường tỉnh 314B và đường tỉnh 314 với khu vực phía Nam của huyện (giai đoạn 1). Nhiều nghị quyết chuyên đề của HĐND huyện đã thực sự phản ánh được ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điển hình như việc ban hành Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây dựng nhà văn hoá khu dân cư giai đoạn 2021 - 2025 được cho là rất kịp thời và sát thực tế khi hệ thống thiết chế nhà văn hóa khu dân cư trên địa bàn huyện được xây dựng từ lâu đến nay đã xuống cấp; đặc biệt sau khi thực hiện sáp nhập các khu dân cư theo Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bội Nội vụ, toàn huyện có 204 khu dân cư, trong đó có 256 nhà văn hóa (52 nhà văn hoá dôi dư). Đa số nhà văn hóa có quy mô nhỏ không đáp ứng yêu cầu hội họp, sinh hoạt của cộng đồng dân cư; hệ thống trang thiết bị tăng âm, loa đài, bàn ghế, dụng cụ tập luyện thể thao,… còn thiếu; khuôn viên chật hẹp, đang trong tình trạng xuống cấp. Kinh phí xây dựng, đầu tư trang thiết bị của các thiết chế nhà văn hoá cơ sở còn hạn chế, công tác xã hội hoá gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, HĐND huyện giao UBND huyện nghiên cứu, tham mưu Đề án trình HĐND huyện thông qua nhằm xây dựng, hoàn thiện thiết chế nhà văn hoá khu dân cư, đảm bảo các hoạt động văn hoá, thể thao, cộng đồng lành mạnh, bổ ích, thiết thực, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân với tổng mức đầu tư là 4.500.000.000 đồng; trong đó ngân sách huyện hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà đối với nhà văn hoá đầu tư xây mới và 50 triệu đồng/nhà đối với nhà văn hoá cải tạo, sửa chữa.
Có thể nói các nghị quyết được HĐND huyện quyết định đưa ra thảo luận và ban hành đã và đang thực sự đi vào cuộc sống, bước đầu đánh giá đúng tình hình, yêu cầu của đời sống đối với nội dung của nghị quyết; xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như các giải pháp đề ra sát với thực tiễn, có tính khoa học, đáp ứng được kỳ vọng của người dân, được đông đảo Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh công tác ra quyết định thì hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết những vấn đề mà cử tri quan tâm cũng được HĐND huyện đặc biệt chú trọng. Công tác tổ chức tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND huyện đổi mới theo hướng thiết thực và hiệu quả phù hợp với tình hình mới. Đó là giao cho Tổ đại biểu chủ động thống nhất với địa phương về thời gian và hình thức tiếp xúc cử tri theo kế hoạch, việc này đã giúp cho các Tổ đại biểu chủ động hơn về thời gian, cũng như công tác chuẩn bị tài liệu, gặp gỡ, trao đổi với cử tri. Đơn cử, trong năm 2021, Thường trực HĐND huyện đã tổ chức 4 cuộc tiếp xúc cử tri (bằng cả hình thức trực tiếp và gián tiếp do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19), nhiều điểm tiếp xúc cử tri ở trung tâm xã, thị trấn. Ngoài những kiến nghị được trả lời ngay tại buổi tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND huyện tổng hợp và gửi đến UBND huyện xem xét, giải quyết 22 kiến nghị, trong đó, có 18 kiến nghị thuộc lĩnh vực kinh tế - ngân sách; 04 kiến nghị thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Sau khi tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND huyện phối hợp chặt chẽ với UBND huyện trong việc phân loại, giải quyết, trả lời cử tri. Do đó, các kiến nghị được UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị liên quan làm rõ, trả lời theo đúng thẩm quyền. Các cơ quan, đơn vị khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri có trách nhiệm trong việc xem xét, nghiên cứu trả lời. Báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri được xây dựng rõ ràng, đầy đủ theo từng lĩnh vực và phân định rõ ý kiến nào đã giải quyết, ý kiến nào đang giải quyết. Các ý kiến chưa giải quyết xong, UBND huyện đưa ra kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể.
Với quyết tâm không để tình trạng ý kiến, kiến nghị của cử tri bị “bỏ quên” sau mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, HĐND huyện đặc biệt quan tâm đến công tác giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thực hiện đa dạng các hình thức giám sát, từ giám sát chuyên đề đến tổ chức phiên giải trình, chất vấn trực tiếp tại kỳ họp. Nhờ đó, UBND huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, gắn với trách nhiệm người đứng đầu, xác định rõ cơ quan chủ trì, phối hợp giải quyết; đồng thời tăng cường kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo và định hướng phương án giải quyết cụ thể, đúng thẩm quyền.
Đến nay, gần 70% ý kiến, kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền được UBND huyện giải quyết xong hoặc giải trình, thông tin đến cử tri. Nhiều ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri được tiếp thu và giải quyết thấu đáo góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội, tạo niềm tin của Nhân dân đối với chính quyền, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Điển hình như trường hợp ông Nguyễn Văn Thủy (khu 3 xã Đại An) đã làm hồ sơ khen thưởng từ năm 2013 đến nay chưa được giải quyết, chưa được cơ quan chức năng trả lời và trường hợp ông Nguyễn Minh Khôi (khu 6 xã Đại An) đề nghị được hướng dẫn làm chế độ khi ông tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam (tỉnh Kiên Giang), sang Lào năm 1978, sang Campuchia từ năm 1979 đến năm 1982 (đã được Bộ Quốc phòng tặng Huân chương chiến công hạng Ba) đến nay chưa được hưởng chế độ. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND huyện chuyển kiến nghị tới các cấp, các ngành, nội dung phản ánh được UBND huyện giao cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện trả lời, giải quyết. Tháng 12/2021, Ban Chỉ huy Quân sự huyện tổ chức trao tặng huân chương và giải quyết chế độ xong cho 2 công dân có tên trên.
Để hoàn thành trọng trách của mình, HĐND huyện sẽ tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động, tập trung nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết chuyên đề bằng nhiều giải pháp như: Tích cực tham gia vào quá trình xây dựng đề án, nghị quyết từ khâu soạn thảo văn bản nhằm thu thập thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình thẩm tra; xây dựng báo cáo thẩm tra mang tính phản biện cao; đổi mới quy trình quyết nghị tại kỳ họp HĐND theo hướng giảm thời gian đọc tài liệu, nghe báo cáo tại hội trường, tăng thời gian thảo luận, giải trình và chất vấn; thường xuyên đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND huyện đối với UBND huyện và UBND các xã, thị trấn. Từ đó, các nghị quyết sau khi ban hành sẽ sớm đi vào đời sống; các chủ trương, chính sách kịp thời đến với đối tượng thụ hưởng. Mặt khác, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND huyện luôn tăng cường giám sát, nắm bắt thông tin về tác động của các nghị quyết đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống người dân trên địa bàn huyện cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có thể đánh giá một cách khách quan, toàn diện các nghị quyết ban hành, đồng thời kiến nghị đến UBND huyện, các phòng, ban, ngành của huyện để tháo gỡ hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các nghị quyết không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, hoạt động tiếp xúc cử tri cũng sẽ được đổi mới thiết thực hơn để có thể thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và giám sát của HĐND huyện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, xây dựng Thanh Ba sớm trở thành huyện nông thôn mới, xứng đáng với niềm tin của cử tri và Nhân dân trong huyện.
Nguyễn Kim Chi
TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Ba