Để việc thẩm tra có hiệu quả các Ban phải xác định được phạm vi thẩm tra, những vấn đề cần tập trung trong quá trình thẩm tra. Ngoài sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước thì việc xác định nội dung dự thảo nghị quyết có phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương hay không là rất quan trọng, điều đó sẽ quyết định việc ban hành nghị quyết có tính khả thi và đi vào đời sống xã hội của địa phương hay không.
Trong thời gian qua, công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh được thực hiện theo đúng quy định. Trên cơ sở phân công của Thường trực, các Ban chủ động xây dựng kế hoạch thẩm tra của từng Ban, đồng thời phối hợp thống nhất sắp xếp thời gian hợp lý để tránh sự chồng chéo thời gian thẩm tra giữa các Ban. Các Ban chỉ đạo bộ phận giúp việc, tham mưu chủ động khâu nối, phối hợp với cơ quan chủ trì xây dựng đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết và các cơ quan khác có liên quan để thu thập, cung cấp thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra và chuyển các tài liệu cần thiết cho các thành viên Ban nghiên cứu trước khi tiến hành hội nghị thẩm tra.
Trên thực tế, nhiều nghị quyết do HĐND tỉnh thông qua liên quan đến các đề án, quy hoạch tổng thể lớn cho một giai đoạn dài nên muốn thẩm tra tốt các Ban đã phải kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan đến nội dung cần thẩm tra ngay từ khi các cơ quan chuyên môn được giao xây dựng dự thảo. Các Ban của HĐND đa số hoạt động kiêm nhiệm, chỉ có từ 1 đến 2 thành viên hoạt động chuyên trách, bởi vậy vai trò nắm bắt thông tin, khâu nối các vấn đề liên quan đến dự thảo nghị quyết phụ thuộc rất lớn vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực HĐND, của Trưởng ban, Phó Trưởng ban và đội ngũ cán bộ giúp việc các Ban. Căn cứ vào kế hoạch ban hành nghị quyết của HĐND, các Ban và bộ phận giúp việc chủ động liên hệ với các cơ quan chuyên môn được giao xây dựng dự thảo nghị quyết để tham gia nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung cần thiết. Trong quá trình tiến hành thẩm tra, các Ban dành nhiều thời gian để nghe các cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ các nội dung, những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau và ý kiến thẩm tra chuyên sâu của thành viên Ban được phân công thẩm tra trước cuộc họp. Sau cuộc họp thẩm tra, trên cơ sở ý kiến của các thành viên, ý kiến giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, các Ban ban hành báo cáo thẩm tra trình HĐND tỉnh tại kỳ họp. Báo cáo thẩm tra đều ngắn gọn, có chất lượng, thể hiện quan điểm, chính kiến của Ban về các nội dung thẩm tra, đồng thời nhấn mạnh những vấn đề cần quan tâm, xem xét thấu đáo, làm cơ sở cho đại biểu nghiên cứu, thảo luận và đưa ra quyết định tại kỳ họp.
Tuy nhiên, hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh cũng gặp một số khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng công tác thẩm tra, xây dựng báo cáo thẩm tra như: Việc UBND tỉnh, các ngành gửi tài liệu, hồ sơ phục vụ cho thẩm tra chưa đầy đủ, chưa đảm bảo thời gian theo quy định ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu, thẩm tra của thành viên các Ban HĐND và đại biểu dự họp; sự phối hợp giữa các Ban với cơ quan soạn thảo có nội dung chưa chặt chẽ; việc hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra của các Ban ở một số nội dung còn chậm, sát ngày họp mới chuyển đến đại biểu, vì vậy thời gian dành cho đại biểu nghiên cứu chưa nhiều.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động thẩm tra trong thời gian tới, các Ban của HĐND tỉnh, các cơ quan liên quan cần quan tâm một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, các cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo các đề án, dự thảo nghị quyết nên chủ động mời Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban tham gia các cuộc họp bàn về nội dung dự thảo ngay từ đầu (từ khâu khảo sát, lập tờ trình), sau đó tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các ngành, các cấp, tổng hợp trước khi hoàn chỉnh dự thảo trình cuộc họp UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến nhằm đảm đảm bảo sự thống nhất, thông suốt giữa các cơ quan.
Thứ hai, các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết cần tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cần được chuyển sớm để các Ban HĐND tỉnh có nhiều thời gian nghiên cứu, xem xét, thu thập thông tin, sắp xếp thời gian để có thể tiến hành khảo sát thực tế, lắng nghe ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động,...
Thứ ba, các Ban cần phân công từng thành viên nghiên cứu sâu các nội dung theo lĩnh vực phụ trách và thẩm tra sơ bộ trước để tại cuộc họp thẩm tra, chủ yếu dành thời gian cho các đại biểu nêu vấn đề, chất vấn, trao đổi; cơ quan trình dự thảo không đọc báo cáo, tờ trình mà chủ yếu giải trình làm rõ các nội dung theo yêu cầu của các thành viên dự họp. Trong trường hợp cần thiết, có cơ chế thuê chuyên gia trong hoạt động thẩm tra, đặc biệt là việc thẩm tra đối với các lĩnh vực chuyên sâu và những vấn đề tác động đến nhiều đối tượng. Đối với các vấn đề còn có nhiều ý kiến trái chiều hoặc cần minh họa, làm rõ hơn thì các Ban tổ chức khảo sát tình hình thực tế tại địa phương để lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, ý kiến của cử tri và nhân dân làm cơ sở, dữ liệu cho quá trình thẩm tra.
Thứ tư, các nghị quyết đã được ban hành và triển khai thực hiện, cần có lộ trình xem xét, đánh giá hiệu quả, tác động của nghị quyết để có giải pháp tiếp tục thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung nghị quyết cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Đặng Thị Tình
Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh