Thực hiện các quy định của Luật Đất đai, hằng năm, các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị đã tiến hành đăng ký danh mục các công trình, dự án có sử dụng đất lúa, đất rừng cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua tại các kỳ họp HĐND tỉnh. Đây là căn cứ pháp lý và cơ sở tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có tổng số 27 dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 2.788,84ha, trong đó có 05 dự án đã được Thủ tướng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 280,83ha; Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 09 Nghị quyết về việc thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng: Tổng số 2.142 dự án với diện tích 12.804,401 ha; công tác phối hợp giữa các sở ngành, các địa phương có liên quan trong thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án cơ bản đảm bảo đúng quy định của pháp luật; hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiến hành tổ chức thanh, kiểm tra việc sử dụng đất đối với các đơn vị đã được UBND tỉnh giao đất, thu hồi đất của những doanh nghiệp có dự án đã hết thời gian gia hạn sử dụng đất mà chủ đầu tư vẫn tiếp tục không đưa đất vào sử dụng.
Có thể thấy, các dự án phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất được HĐND tỉnh thông qua đã được UBND các cấp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt, đất đai được khai thác và sử dụng có hiệu quả, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: Tỷ lệ các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đạt thấp (kể cả về danh mục công trình, dự án cũng như về diện tích đất), số dự án chưa thực hiện, phải thực hiện chuyển tiếp và số dự án đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng nhưng không thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất còn nhiều; công tác tổng hợp, đề xuất danh mục các công trình, dự án trình Hội đồng nhân dân tỉnh thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn một số hạn chế, chưa sát với điều kiện thực tế, có dự án không khả thi; việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong tổng hợp, thẩm định hồ sơ dự án trình HĐND tỉnh thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất cũng như phối hợp trong quá trình theo dõi việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh chưa chặt chẽ và thường xuyên; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư của đa số dự án còn vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án; một số dự án khi phê duyệt không dự toán kinh phí lập hồ sơ chuyển mục đích và giao đất (kinh phí đo đạc lập hồ sơ, nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa, nộp tiền trồng rừng thay thế đối với đất rừng sản xuất) nên dự án chỉ dừng lại ở bước thu hồi đất mà chưa được chuyển mục đích sử dụng đất; một số chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn lập hồ sơ để thực hiện công tác chuyển mục đích sử dụng đất.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, đề nghị các cấp, các ngành cần quan tâm một số giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả việc thực hiện thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh như sau:
Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tổ chức tập huấn và hướng dẫn các huyện, thành, thị thực hiện tốt công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các cấp, địa phương, đảm bảo sát thực tế, đúng quy định.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành, thị phối hợp, nghiên cứu, đề xuất phương án, bố trí nguồn kinh phí nộp tiền bảo vệ phát triển đất trồng lúa, nộp tiền trồng rừng thay thế đối với đất rừng sản xuất để xử lý dứt điểm việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đầu tư công đã thu hồi đất nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất do khi phê duyệt dự án không có nguồn kinh phí này.
Đối với các công trình, dự án đầu tư cần thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, trước khi tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua, phải phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương để đảm bảo đầy đủ các điều kiện, đúng quy trình theo quy định của pháp luật; nhu cầu diện tích đất sử dụng phải phù hợp với quy mô dự án, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về điều kiện, quy trình, thủ tục đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật đối với các dự án được đưa vào danh mục trình HĐND tỉnh thông qua, bảo đảm tính thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh và bảo đảm tính khả thi của dự án trong quá trình tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát các văn bản của Trung ương, của tỉnh để kịp thời bổ sung, thay thế, sửa đổi các văn bản của tỉnh đã ban hành đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và tạo cơ sở pháp lý quản lý tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, chủ động nghiên cứu và chuẩn bị tốt các nội dung liên quan đến việc tuyên truyền, cụ thể hóa Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng trên địa bàn tỉnh, nhất là những nội dung liên quan đến việc chuyển giao giữa Luật Đất đai cũ và mới.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện các các dự án đã được thông qua tại các Nghị quyết của HĐND tỉnh; phối hợp với chủ đầu tư để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục theo đúng các quy định của pháp luật về việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện công trình dự án đầu tư theo đúng quy định; đối với những công trình, dự án chưa thực hiện vì những lý do khách quan, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương đồng hành cùng nhà đầu tư có biện pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục thực hiện; kiên quyết xử lý và đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi đối với những công trình, dự án mà chủ đầu tư không có năng lực tài chính; không bố trí được nguồn vốn triển khai; những dự án kéo dài chuyển tiếp nhiều lần không triển khai thực hiện, giữ đất hoặc thực hiện mang tính đối phó,….
Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành, thị và Công ty Điện lực tỉnh tăng cường công tác phối hợp để xử lý dứt điểm đối với các dự án của ngành điện đã thực hiện xong công trình, dự án, còn chưa thực hiện hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường, quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý đất đai.
Điêu Kim Thắng
Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh
Điêu Kim Thắng