Đồng chí Bùi Minh Châu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chỉ đạo hội nghị Ban chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18- NQ/TW (Tháng 12/2024)
Khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ
Để đưa Nghị quyết số 18-NQ/TW nhanh chóng đi vào cuộc sống, công tác quán triệt và thực hiện Nghị quyết được BTV Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp quan tâm, triển khai kịp thời, nghiêm túc. BTV Tỉnh ủy đã ban hành 42 nghị quyết, 3 quyết định, 6 quy định, 5 kết luận, 3 thông báo; HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết, Chủ tịch HĐND tỉnh ban hành 1 quyết định; UBND tỉnh ban hành 66 quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 25 quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong các sở, ban, ngành, đoàn thể; công tác tinh giản biên chế, bố trí cán bộ lãnh đạo cấp phòng dôi dư và giải quyết chế độ, chính sách đối với số cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, giai đoạn 2023 - 2025 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và đảm bảo thống nhất, đồng bộ, thuận lợi trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Xác định việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy là nhiệm vụ quan trọng, trong quá trình triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, tỉnh Phú Thọ xây dựng kế hoạch và thực hiện khoa học, có lộ trình cụ thể, từng bước vững chắc. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Đặc biệt trong đó, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị các cấp, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Quá trình triển khai đã thực hiện việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện cho các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động, sáng tạo gắn với trách nhiệm; đồng thời, xác định kết quả thực hiện Nghị quyết là một trong các căn cứ quan trọng để đánh giá cán bộ.

Quang cảnh hội nghị quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ
Tỉnh cũng chỉ đạo rà soát lại các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, đề án phù hợp với tình hình thực tế và tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu của Nghị quyết; tổ chức sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ cũng đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội trong quá trình thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này.
Những kết quả đạt được
Nhờ sự vào cuộc tích cực, chủ động, quyết liệt và cách làm bài bản, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, giảm nhiều đầu mối bên trong, nhất là giảm số lượng tổ chức và lãnh đạo, quản lý cấp phòng; khắc phục được tình trạng chồng chéo, tạo sự liên thông, đồng bộ.
Phú Thọ đã giảm được 80 đầu mối bên trong thuộc các cơ quan cấp tỉnh, giảm 108 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 52 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 559 khu dân cư giai đoạn 2019 - 2021. Thực hiện bố trí 13 đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy huyện đồng thời là Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện từ năm 2018, giảm 13 vị trí cấp trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc cấp ủy huyện. Giai đoạn 2023 - 2025, sắp xếp, sáp nhập 30 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập mới 12 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 18 đơn vị. Như vậy, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của cả 2 giai đoạn, tỉnh giảm 70 xã; hiện tại, toàn tỉnh có 207 đơn vị hành chính cấp xã.

Cán bộ xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê triển khai thực hiện nhiệm vụ sau khi sáp nhập các xã: Phú Khê, Tạ Xá và Yên Tập
Việc bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau sắp xếp được quan tâm, xây dựng phương án cụ thể. Giai đoạn 2019 - 2021, tổng số cán bộ, công chức cấp xã trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là 1.532 người; sau khi sắp xếp, số lượng bố trí đúng quy định là 602 người; số dôi dư sau khi sắp xếp là 930 người. Tính đến tháng 11/2024, số công chức dôi dư còn 182 người. Tổng số người hoạt động không chuyên trách cấp xã trước khi sắp xếp là 874 người; sau khi sắp xếp, số lượng bố trí theo quy định phân loại xã là 280 người, số lượng người dôi dư sau khi sắp xếp là 594 người, đến nay đã giải quyết hết. Giai đoạn 2023 - 2025, dự kiến số cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã khoảng 293 người và 126 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được gắn liền với tinh giản biên chế. Tổng biên chế công chức được giao năm 2024 giảm so với biên chế công chức được giao năm 2017 là 530 công chức (chưa bao gồm 99 biên chế công đoàn). Tổng số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được giao năm 2024 giảm so với năm 2017 là 3.988 viên chức (không tính số biên chế bổ sung cho sự nghiệp giáo dục).
Những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và những năm tiếp theo. Đây cũng là tiền đề quan trọng để khẩn trương thực hiện “cuộc cách mạng” về tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị theo tinh thần chỉ đạo của của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.