Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đô thị

Giám đốc Sở Xây dựng Trần Quang Tuấn trả lời chất vấn về tiến độ thực hiện
các dự án đô thị trên địa bàn
Đó là khẳng định của ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng khi trả lời chất vấn của đại biểu Điêu Kim Thắng - Tổ đại biểu huyện Cẩm Khê về tiến độ thực hiện của các dự án nhà ở đô thị trên địa bàn tỉnh và những biện pháp khắc phục những hạn chế, vướng mắc. Ông Trần Quang Tuấn cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 20 dự án phát triển đô thị đang triển khai, riêng địa bàn thành phố Việt Trì có 17 dự án, trong đó có 4 dự án đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Giải trình về tiến độ thực hiện từng dự án cụ thể, Giám đốc Sở Xây dựng nêu rõ: Đối với dự án Đô thị Tây Nam thành phố Việt Trì dự kiến hoàn thành vào năm 2025 với tổng quy mô là 54ha. Hiện tại đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng 16ha/19ha giai đoạn 1, 3ha còn lại chưa giải phóng được do người dân chưa chấp thuận giá bồi thường chủ đầu tư đưa ra. Bên cạnh đó, dự án cần phải di dời hơn 1.000 ngôi mộ trong khi chủ đầu tư mới chỉ thực hiện di chuyển được 79 ngôi mộ.
Về giải pháp, Sở Xây dựng đã báo cáo UBND tỉnh bổ sung quy hoạch hơn 2ha tại Nghĩa trang An Thái để phục vụ việc di chuyển mộ; tham mưu UBND tỉnh thực hiện phân kỳ đầu tư, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các thủ tục giao đất từng phần để tổ chức thi công tại các khu vực đã có mặt bằng được giải phóng; phối hợp với UBND thành phố Việt Trì tăng cường tuyên truyền về chính sách bồi thường của nhà nước để người dân đồng thuận và thực hiện nghiêm việc cưỡng chế theo quy định.
Đối với dự án Khu đô thị mới Việt - Séc (xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì), đến thời điểm này đã thực hiện giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công đồng bộ kết cấu hạ tầng 16ha. Hiện tại còn lại 3ha người dân chưa chấp thuận giá bồi thường chủ đầu tư đưa ra dẫn dến một số điểm kết nối còn tắc nghẽn. Hiện tại chủ đầu tư vẫn tiếp tục phối hợp với người dân thực hiện giải phóng mặt bằng theo đúng quy định. Dự án nhà ở đô thị Đồng Cả Ông vào tháng 7/2020 đã lựa chọn xong nhà đầu tư là Công ty xây dựng Tự Lập. Dự án có quy mô 15ha, dự kiến năm 2023 sẽ đưa vào quản lý khai thác. Sở đã yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai dự án theo đúng thời gian quy định.

Đại biểu Điêu Kim Thắng - Tổ đại biểu huyện Cẩm Khê chất vấn về thực trạng triển khai các dự án nhà ở đô thị trên địa bàn tỉnh
Còn đối với dự án Khu đô thị Minh Phương (thành phố Việt Trì), ông Trần Quang Tuấn cho biết: Dự án được triển khai từ năm 2011, thời gian triển khai chậm, kéo dài do quy hoạch tổng thể thành phố Việt Trì giai đoạn đó có những nội dung chưa phù hợp. Đến năm 2015, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể thành phố Việt Trì mới tổ chức lập kế hoạch phân khu, lập kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Đến thời điểm này, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Licogi 14, dự kiến năm 2025 hoàn thành toàn bộ dự án.
Về giải pháp để đảm bảo quyền lợi liên quan đến đất đai của người dân trong khu vực một số dự án như Trường Đại học Dược, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ… không tiếp tục đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Quang Tuấn cho biết: Những năm trước đây, UBND tỉnh có phê duyệt chủ trương đầu tư và dự kiến triển khai dự án Trường Đại học Dược và Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ với quy mô 32ha. Năm 2019, UBND tỉnh đã có quyết định dừng thực hiện các dự án này, giao các cơ quan chuyên môn thực hiện điều chỉnh quy hoạch để đảm bảo lợi ích cho người dân. Tháng 8/2019, Sở đã phối hợp với UBND thành phố Việt Trì tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh toàn bộ 32ha của các dự án trên, trong đó điều chỉnh 27ha thành đất nhà ở thấp tầng, người dân có thể xây dựng hoặc chuyển nhượng mua bán; còn 5,4ha được quy hoạch đất quốc phòng, người dân vẫn được cấp giấy phép xây dựng tạm thời, khi dự án được phê duyệt sẽ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định.

Đại biểu Phạm Thu Hạnh - Tổ đại biểu Việt Trì chất vấn về việc xử lý rác thải tại
Nhà máy chế biến rác tại phường Vân Phú
Đối với vấn đề liên quan đến Nhà máy chế biến rác tại phường Vân Phú, thành phố Việt Trì, ông Trần Quang Tuấn khẳng định: Nhà máy chế biến rác thải Vân Phú gây ô nhiễm môi trường là vấn đề thực tế từ nhiều năm nay. Hiện tại Nhà máy còn tồn đọng tới hơn 44.000 tấn tác, mỗi ngày lũy kế thêm 120 tấn rác dồn ứ. Với công suất của nhà máy hiện nay thì không thể xử lý triệt để. Trước tình trạng trên, tỉnh đã có chủ trương cho phép lập dự án cho chôn lấp rác thải tại xã Trạm Thản (Phù Ninh) với công suất 116.000 tấn. Dự kiến phương án này sẽ kéo dài thời gian xử lý tạm thời khoảng 2,5 năm để chờ đợi Nhà máy xử lý rác thải và phát điện đi vào hoạt động vào cuối năm 2021. Lãnh đạo ngành Xây dựng mong cử tri, người dân chia sẻ cùng với chính quyền để có lộ trình xử lý, khắc phục dần.
Về vấn đề này, Chủ tọa yêu cầu: Đối với các dự án nhà ở đô thị, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận triển khai thực hiện. Thời gian tới, UBND tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng phương án thu hồi đất, tổ chức đấu giá, đấu thầu phù hợp, tránh để nhà đầu tư trực tiếp thỏa thuận với người dân, gây phát sinh mâu thuẫn dẫn đến chậm tiến độ. Liên quan đến Nhà máy xử lý rác thải và phát điện xã Trạm Thản, Chủ tọa khẳng định: Tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn thương thảo lại hợp đồng đảm bảo chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Dự kiến trong năm 2022 sau khi Nhà máy đi vào hoạt động sẽ xử lý xong toàn bộ lượng rác thải còn tồn đọng.
Kiểm soát tình trạng xe quá tải hoạt động ban đêm

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Tổ đại biểu Đoan Hùng chất vấn tình trạng xe chở hàng quá tải trọng tiếp tục diễn ra tại một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Tổ đại biểu Đoan Hùng chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải đưa ra giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng xe chở hàng quá tải trọng tiếp tục diễn ra tại một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh làm hư hỏng đường và gây mất an toàn giao thông, nhất là các tuyến đường 323, 32C (hoạt động chủ yếu vào ban đêm)...
Ông Nguyễn Văn Quân - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của cử tri trên tuyến đường 323 qua huyện Đoan Hùng xuất hiện tình trạng xe quá tải hoạt động vào ban đêm, ngành Giao thông vận tải phối với với lực lượng Công an đã tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định. Do đó đến nay đã hạn chế được tình trạng này. Trên quốc lộ 32C, nhiều xe tải trọng lớn chạy từ Trung Hà đi Yên Bái, Thanh tra Giao thông đã đặt trạm kiểm soát tải trọng và kiểm tra mọi phương tiện tải trọng lớn, xác định một số trường hợp vi phạm và đã xử lý. Tuy nhiên qua kiểm tra cũng nhận thấy nhiều xe không vi phạm quy định về tải trọng nhưng nhìn cồng kềnh gây nhầm lẫn. Giám đốc Sở Giao thông vận tải đề nghị chính quyền cấp huyện, cấp xã tăng cường phối hợp nắm tình hình, kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng nếu phát hiện tình trạng xe quá tải hoạt động vào ban đêm qua địa bàn.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Văn Quân trả lời chất vấn về
việc kiểm soát tình trạng xe quá tải
Theo thống kê trên toàn tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ có chiều dài 75km, hiện đang tồn tại 134 lối đi dân sinh tự mở, vi phạm hành lang an toàn đường sắt và luôn tiềm ẩn mất an toàn giao thông, ông Nguyễn Văn Quân giải trình: Ngành Giao thông vận tải đã kiểm tra nhiều lần, xây dựng lộ trình giải tỏa các lối đi dân sinh này, đồng thời bố trí các chốt gác tại những lối đi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Tuy nhiên, ý thức của người dân chưa cao dẫn đến tình trạng “hôm trước cơ quan chức năng bịt lối, hôm sau người dân tháo lối”.
Về vấn đề này Chủ tọa kì họp yêu cầu: Các địa phương phải tăng cường rà soát, kiểm tra và đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là người tham gia giao thông nhằm nâng cao ý thức trong việc bảo vệ an toàn hành lang đường sắt.
Cũng tại hội trường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã phân tích thực trạng trên địa bàn tỉnh, số người hành nghề xe mô tô hai bánh vận chuyển hành khách tự phát là tương đối nhiều. Người hành nghề không có biển hiệu, trang phục để nhận biết với các đối tượng tham gia giao thông khác. Chủ tọa kì họp yêu cầu các cơ quan thông tin tuyên truyền cùng với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hành nghề vận chuyển hàng, khách bằng xe mô tô hai bánh báo cáo hoạt động với cơ quan chức năng; tiến tời thành lập các hội, hiệp hội để quản lý, hỗ trợ các đối tượng này.
Thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ các dự án nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGap

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn trả lời
chất vấn về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ các dự án nông nghiệp
Trả lời đại biểu Trần Thanh Hải - Tổ đại biểu Cẩm Khê về vấn đề nhiều cử tri không biết các cơ chế, chính sách của tỉnh hỗ trợ các dự án nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tháng 7/2019, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 05 về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trong đó có nội dung hỗ trợ phát triển cây bưởi gắn với quy trình sản xuất VietGap và nội dung hỗ trợ dự án sản xuất chè xanh chất lượng cao. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp địa phương thực hiện. Kết quả đã có 1.400 ha diện tích trồng bưởi theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap… Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng mong muốn HĐND tỉnh có thêm quy định về nội dung hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất an toàn để Ngành Nông nghiệp có thêm cơ sở hiện thực hoá tốt hơn chính sách hỗ trợ các dự án nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Phạm Quang Tuyến - Tổ đại biểu Lâm Thao về giải pháp tái đàn lợn an toàn nhằm phát triển ổn định đàn lợn và giảm giá thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Phú Thọ là địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao về công tác kiểm soát dịch bệnh và tái đàn. Hiện nay, Sở tham mưu cho UBND tỉnh có chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, trong đó tập trung vào công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh, bởi dịch tả châu Phi hiện vẫn chưa có vắc-xin nên nguy cơ bùng phát cao. Đồng thời tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch và thực hiện phun khử trùng toàn tỉnh, tiêm phòng, kiểm soát lợn giống đưa vào tỉnh, đảm bảo vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi.
Để giải quyết khó khăn đảm bảo tái đàn lợn trên toàn tỉnh, Sở đã tham mưu với UBND tỉnh để tăng đàn lợn nái thêm 67.000 con, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ đạt khoảng 680.000 - 700.000 con, đạt kế hoạch đã đề ra.

Đại biểu Phạm Quang Tuyến - Tổ đại biểu Lâm Thao chất vấn về giải pháp
tái đàn lợn đảm bảo an toàn
Đối với vấn đề giá lợn còn cao, hiện vào khoảng 90.000 - 92.000 đồng/kg; ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Hiện tại, Phú Thọ sản xuất lượng thịt lợn gấp 3 - 4 lần so với nhu cầu tiêu thụ toàn tỉnh nhưng vẫn chịu ảnh hưởng điều tiết giá chung của cả nước. Để giải quyết vấn đề này, cần chỉ đạo của Chính phủ trên phạm vi quy mô quốc gia.
Kết luận nội dung này, Chủ tọa cho rằng cần phải nhân rộng việc thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy trình, tiêu chuẩn VietGap. Chủ tọa yêu cầu các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền với người dân, đặc biệt là người nông dân để nhân rộng các sản phẩm thế mạnh theo tiêu chuẩn VietGap. Ngành Nông nghiệp căn cứ nguồn lực hiện có để tham mưu, bổ sung phát triển chương trình nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Đối với việc tái đàn lợn cần xác định vai trò chủ đạo của chủ doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi; từ đó có các biện pháp khuyến khích, hướng dẫn hộ chăn nuôi, gia trại, trang trại tái đàn đảm bảo quy định an toàn thú y.
Về vấn đề giá lợn tăng cao, Chủ tọa kỳ họp cho rằng đây là vấn đề không dễ thực hiện trong một sớm một chiều, cần có thời gian, lộ trình và phối kết hợp giữa Nhà nước - người dân và doanh nghiệp để kiềm chế giá lợn, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Nguồn Cổng Thông tin điện tử tỉnh