Tăng cường công tác quản lý đất công ích
Trước phản ánh về nhiều tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm trong công tác quản lý đất công ích, đồng chí Phạm Văn Quang - TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo số liệu đến hết năm 2020, tổng diện tích đất công ích do UBND cấp xã quản lý là 8.338,4ha. Trong đó diện tích UBND xã trực tiếp sử dụng là 46,4ha; diện tích đang cho thuê là 6.269,7ha; diện tích đang cho mượn là 79,2ha; diện tích còn lại đang quản lý là 1.943ha. Mặc dù công tác quản lý quỹ đất công ích thời gian qua đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế do quỹ đất công ích đa số có diện tích nhỏ, phân tán, không tập trung; các hợp đồng giao thầu đã ký có thời hạn lâu dài nên việc thương thảo ký lại hợp đồng còn nhiều vướng mắc; một số hộ dân không hợp tác vì liên quan đến lợi ích; hồ sơ quản lý đất chưa rõ ràng...
Để xử lý dứt điểm vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành, thị tăng cường công tác chỉ đạo, thanh tra kiểm tra, đối chiếu, rà soát quỹ đất công; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân buông lỏng quản lý đất công ích và sử dụng đất công ích không đúng mục đích.

Đồng chí Phạm Văn Quang - TUV, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình về công tác quản lý đất công ích
Sử dụng có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp được bàn giao
Làm rõ về kết quả, tiến độ bàn giao, kế hoạch và việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp do Tổng Công ty Giấy Việt Nam bàn giao cho tỉnh Phú Thọ quản lý, sử dụng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đến nay UBND tỉnh và Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã thống nhất phương án và triển khai công tác bàn giao đất của 3 Công ty lâm nghiệp: Sông Thao, Thanh Hòa, Tam Thanh và một phần diện tích đất của các Công ty lâm nghiệp: Tam Sơn, Tam Thắng, Đoan Hùng, Xuân Đài, Yên Lập về tỉnh Phú Thọ quản lý. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện, cấp xã, Tổng Công ty Giấy Việt Nam và các đơn vị liên quan bàn giao xong mốc giới, diện tích tại thực địa cho Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với diện tích 3.035,92ha và cho UBND huyện Tam Nông quản lý (với diện tích 55,5ha).
Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện rà soát, đề xuất phương án quy hoạch đối với diện tích 3.035,92ha giao Chi cục Kiểm lâm trên để tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Dự kiến quy hoạch diện tích này để sử dụng vào các mục đích sau: 6 khu nhà ở kết hợp du lịch sinh thái với diện tích hơn 2.000ha; 3 khu, cụm công nghiệp với diện tích khoảng 300ha; hơn 700ha dự kiến phát triển 18 vị trí nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng chí Trần Quang Tuấn - TUV, Giám đốc Sở Xây dựng giải trình về tiến độ bàn giao, kế hoạch và việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp do Tổng Công ty Giấy Việt Nam bàn giao cho tỉnh
Giải quyết dứt điểm tồn tại, vướng mắc của các dự án xây dựng nhà ở xã hội
Trước thực trạng Dự án nhà ở thuộc tổ 70A, khu 6C, phường Nông Trang được triển khai từ 2008 do Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Ba Đình thực hiện, tuy nhiên Công ty đã bỏ dở không tiếp tục triển khai dự án, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Quang Tuấn giải trình: Dự án được triển khai từ năm 2011 với tổng mức đầu tư trên 83,3 tỷ đồng. Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư đã không đầu tư xây dựng nhà ở mà bán toàn bộ 82 lô đất cho các hộ dân khi chưa đủ điều kiện, không thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân đã nhận chuyển nhượng tại dự án.
Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi khu đất dịch vụ công cộng, thương mại có diện tích trên 3.617,0m2. Giao UBND thành phố Việt Trì có trách nhiệm rà soát, triển khai đầu tư xây dựng phần hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành trong tháng 12/2021. Sau khi xác định giá trị đầu tư trên đất còn lại, giá trị còn lại của quyền sử dụng đất giao Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý để hướng dẫn thực hiện việc bàn giao; tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và cá nhân đã nhận chuyển nhượng tại dự án.
Giải trình về tiến độ giải quyết tồn tại, vướng mắc của Dự án xây dựng nhà ở xã hội (Dãy nhà 5 tầng) ở khu Hòa Phong, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao UBND thành phố Việt Trì thành lập Ban tuyên truyền để gặp gỡ trao đổi, tuyên truyền vận động đến từng hộ gia đình và cá nhân đang sinh sống tại Khu chung cư Hòa Phong tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật về việc sử dụng nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước.
Mặt khác, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các dự án nhà ở xã hội như: Khu nhà ở xã hội tại khu Thành Công, phường Thọ Sơn; Khu nhà ở xã hội thấp tầng tại lô đất N02 thuộc khu nhà ở và dịch vụ thương mại Minh Phương, thành phố Việt Trì. Dự kiến hết quý IV/2024 hoàn thành toàn bộ dự án, đảm bảo đáp ứng diện tích nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Đối với tiến độ Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Quang Tuấn cho biết: Sau khi dự án được cấp giấy phép xây dựng, ngày 16/5/2021, nhà đầu tư đã tổ chức khởi công xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án. Đến nay, khối lượng hoàn thành ước đạt 35%. Nhà đầu tư cam kết, dự án sẽ được hoàn thành đưa vào hoạt động chạy thử trong tháng 6/2022, hoàn thành sớm hơn tiến độ dự kiến 6 tháng.

Đồng chí Nguyễn Huy Hồng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh giải trình về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử
Nỗ lực đạt mục tiêu đến ngày 31/12/2021 có 75% người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử
Trả lời về những thuận lợi khó khăn của tỉnh khi là 1 trong 6 địa phương đầu tiên triển khai hóa đơn điện tử để chuẩn bị áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022 trên cả nước, đồng chí Nguyễn Huy Hồng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Từ ngày 21/11/2021, hệ thống hóa đơn điện tử đã chính thức được kích hoạt trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 6/12/2021 đã có trên 1.656 người nộp thuế sử dụng. Tuy nhiên, do thời gian triển khai gấp, để đạt mục tiêu đến ngày 31/12/2021, 75% người, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử là một áp lực với ngành Thuế. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp cần thời gian nhất định để chuyển từ hóa đơn đặt in, tự in sang hóa đơn điện tử.
Coi đây là nhiệm vụ quan trọng, Cục Thuế đã tổ chức tập huấn tổ chức, doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn về hóa đơn điện tử; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ giải đáp khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế khi sử dụng hóa đơn điện tử. Cục Thuế mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của các sở, ngành, đơn vị, UBND huyện, thành, thị và các doanh nghiệp, người nộp thuế để triển khai hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử thành công với phương châm “Tiết kiệm - An toàn - Minh Bạch”.

Đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - TUV,Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiair trình về vấn đề thúc đẩy liến kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Tại hội trường, các đại biểu đánh giá trong năm 2021, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đóng vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Tuy nhiên, chưa hình thành được mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Sở Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm triển khai. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết đạt 20,61%.
Bên cạnh các giải pháp như phát huy vai trò đầu tàu của hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp trong dẫn dắt các hộ dân tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; triển khai các hoạt động xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại; tại kỳ họp HĐND lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, hình thành các ngành hàng nông sản đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế.
Trả lời về ý kiến của đại biểu đối với dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, đề nghị xem xét điều chỉnh điều kiện hỗ trợ phát triển cây quế: Trồng mới tập trung có quy mô diện tích từ 1ha trở lên cũng được hỗ trợ thay vì phải có quy mô diện tích từ 5ha trở lên mới được hỗ trợ như trong dự thảo, Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Quan điểm xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các hộ sản xuất chỉ liên kết với nhau để tạo thành tổ hợp tác, hợp tác xã có vùng sản xuất tập trung đủ lớn, đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư cơ sở chế biến để gia tăng giá trị cho nông sản. Do đó, nội dung này vẫn được giữ nguyên theo dự thảo, không điều chỉnh.
Trước phản ánh về tình trạng người dân bỏ ruộng, bỏ vụ không thiết tha với đồng ruộng, giữ đất (mặc dù không sản xuất) có xu hướng gia tăng, ông Nguyễn Minh Tuấn lý giải nguyên nhân là do cơ cấu lao động có sự chuyển dịch nên lao động khu vực nông nghiệp giảm; thời tiết vụ mùa không thuận lợi khiến một bộ phận người dân không mặn mà với đồng ruộng. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm chuyển đất trồng lúa sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đồng thời triển khai các chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất.
“Chủ động lồng ghép các nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đưa cơ giới hóa và sản xuất là các giải pháp quan trọng đến tăng giá trị của đồng ruộng, hạn chế tình trạng bỏ ruộng của người dân: - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
Tại hội trường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng giải trình về nguyên nhân và các giải pháp khắc phục những vướng mắc liên quan đến Dự án tái định cư (khu dân cư số 3) xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba; Dự án Nạo vét tuyến kênh tiêu Cống Sấu (xã Thanh Hà, Đỗ Sơn đi xã Thanh Minh - thị xã Phú Thọ); Dự án cải tạo, nâng cấp đường Chiến thắng Sông Lô, hạng mục bổ sung: Tuyến đường Phú Mỹ - Phú Lộc - Quốc lộ II (Tỉnh lộ 323D).

Đồng chí Phạm Thị Thu Hương - TUV, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình về tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần tăng cao
Hạn chế tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần
Giải trình về tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần tăng cao trong năm qua, bà Phạm Thị Thu Hương - TUV, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Năm 2021 toàn tỉnh có 5.839 hồ sơ rút bảo hiểm xã hội 1 lần, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 184 hồ sơ, tỷ lệ tăng là 3,25%.
Để hạn chế tình trạng này và hỗ trợ người lao động có việc làm, ổn định cuộc sống đảm bảo an sinh xã hội, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động về quyền, lợi ích khi tham gia BHXH; giải thích cho người lao động hiểu rõ những thiệt thòi khi hưởng BHXH một lần. Đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp, học nghề, duy trì các sản giao dịch việc làm. Đồng thời chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp; từ đó phối hợp với các đơn vị liên quan vận động người lao động bị mất việc làm tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để sau này được hưởng lương hưu.

Đồng chí Nguyễn Huy Ngọc - TUV, Giám đốc Sở Y tế giải trình về công tác phòng chống dịch COVID-19
Đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch bệnh trong trường học
Giải trình về vấn đề, trước diễn biến thực tế của dịch bệnh COVID-19, việc cho học sinh tiếp tục đến trường cần đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch và một trong những điều kiện đó là phải có nhân viên y tế trường học. Trong khi thực tế hiện nay, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh thiếu nhân viên y tế hoặc kiêm nhiệm, như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn trường học, ông Nguyễn Huy Ngọc - TUV, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Toàn tỉnh hiện nay có 876 trường học; số nhân viên y tế trường học là 205 người (chiếm 23,4%), số ký hợp đồng với trạm y tế là 274 người (chiếm 31,3%), kiêm nhiệm là 413 người (chiếm 45,3%).
Thời gian qua Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện, Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn phối hợp, hỗ trợ các trường học nói chung và đặc biệt các trường học không có nhân viên y tế quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh; cử nhân viên y tế cơ sở hỗ trợ các trường về công tác y tế cũng như công tác phòng , chống dịch COVID-19. Vì vậy, có thể khẳng định rằng đến nay tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị, thành đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch trong trường học. Phấn đấu hoàn thành tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi trong tháng 12/2021 (hiện nay đã có trên 90% trẻ em đã được tiêm 1 mũi vắc xin). Tiếp tục cử cán bộ các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; Trung tâm Y tế tuyến huyện hỗ trợ công tác y tế học đường tại các trường để thực hiện công tác phòng, chống dịch.
Về lâu dài, để đảm bảo có đủ nhân viên y tế trường học có trình độ chuyên môn y tế thì ngành Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ cần nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền bố trí đủ số nhân viên y tế trường học (ít nhất mỗi trường cần có 1 nhân viên có trình độ chuyên môn y tế).
Giải trình làm rõ hơn về vấn đề thị trường kit test nhanh rất đa dạng với nhiều mức giá khác nhau, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Huy Ngọc cho biết: Để đảm bảo việc cung cấp test nhanh cho mọi người dân được thuận lợi, tránh tình trạng mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc có tình trạng đầu cơ găm hàng nâng giá, trong thời gian qua, Sở Y tế đã chỉ đạo tổ chức các điểm bán test nhanh để đáp ứng nhu cầu của người dân. 100% các bệnh viện, Trung tâm Y tế hai chức năng tổ chức điểm bán lẻ test nhanh phục vụ 24/24 giờ và 38 cơ sở đủ điều kiện mua bán test nhanh.
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật và công khai các thông tin về danh mục test nhanh được Bộ Y tế cấp phép qua trang thông tin điện tử của Sở Y tế, qua văn bản gửi các địa phương và các cơ quan có liên quan. Thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh test nhanh SARS-CoV-2. Qua kiểm tra, Công an tỉnh đã thu giữ được hơn 6.000 test nhanh nhập lậu. Cục Quản lý thị trường tỉnh và Sở Y tế đã tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất tổng số 23 cơ sở; các cơ sở được kiểm tra đều đảm bảo các qui định về hoạt động kinh doanh mua bán test nhanh.
Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Việc tự thực hiện test nhanh COVID-19 hết sức quan trọng nhằm phát hiện sớm các ca bệnh, trong khi hiện nay có trên 97% các ca bệnh là không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn cho thấy tần suất người dân mua test nhanh COVID-19 để tự thực hiện xét nghiệm rất ít, hầu hết việc triển khai tự test nhanh là tại các trường học. Do đó, thời gian tới mọi người dân cần tự giác tuân thủ các quy định, hướng dẫn và khuyến nghị về phòng chống dịch của ngành Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp.

Đồng chí Nguyễn Quang Lâm - Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ giải trình về vấn đề chất lượng điện ở vùng sâu vùng xa
Cải thiện chất lượng điện cho người dân vùng sâu vùng xa
Trước thực trạng 28 hộ dân tại xóm Bông Lông, khu 1, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì nhiều năm nay đang sử dụng đường điện và nước sinh hoạt của Trung đoàn 652, Quân khu 2, đồng chí Nguyễn Quang Lâm - Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ giải trình: Hiện nay, Công ty Điện lực Phú Thọ đã giao Điện lực thành phố Việt Trì khảo sát hiện trạng lưới điện khu vực, lập phương án đầu tư công trình điện để bán điện trực tiếp đến các hộ dân. Công ty Điện lực Phú Thọ cũng đã đề nghị UBND xã Hy Cương phối hợp trong triển khai khảo sát xác định hành lang tuyến và đất cho công trình.
Cử tri nhiều xã trên địa bàn huyện Yên Lập phản ánh, chất lượng điện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân không đảm bảo, vào những giờ cao điểm điện rất yếu. Giải trình làm rõ vấn đề này, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ Nguyễn Quang Lâm cho biết: Giai đoạn 2016 - 2021, huyện Yên Lập đã được quan tâm đầu tư hạ tầng lưới điện từ nguồn vốn hằng năm của ngành Điện và nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo với tổng khối lượng đầu tư 54,7km đường dây trung áp; 35TBA với tổng công suất 5.450kVA; 77,2km đường dây 0,4kV. Dự kiến năm 2022 sẽ thực hiện đầu tư 12,8km đường dây trung áp; 3 trạm biến áp với tổng công suất 540kVA; 10,5km đường dây 0,4kV.
Về nguyên nhân chất lượng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân bị yếu, nhất là giờ cao điểm là do địa bàn các xã trải rộng, đường dây dài nên vẫn còn một số khu vực lưới điện hạ áp, chủ yếu là các nhanh rẽ cuối đường dây chưa bố trí được nguồn vốn để đầu tư cải tạo hết, dẫn đến tình trạng điện yếu một số thời điểm tại các khu vực này. Mặt khác, tại một số khu vực lưới điện đã được đầu tư cải tạo nhưng đường dây sau công tơ về đến hộ gia đình do người dân tự kéo, dây dẫn tiết diện nhỏ, không duy tu sửa chữa thường xuyên nên không đảm bảo kỹ thuật…
Để giải quyết kiến nghị này, Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ khẳng định, thời gian tới, Công ty sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát thực trạng lưới điện tại các khu vực trên để xử lý ngay, đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho người dân. Cùng với đó, phối hợp với Sở Công Thương lập phương án đầu tư lưới điện các thôn, bản, khu dân cư ở xã trung tâm của các xã thuộc đối tượng tham gia dự án theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg và Quyết định 1740/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Công Thương phê duyệt để thực hiện đầu tư trong thời gian tới.
Sáng mai (ngày 8/12), Kỳ họp thứ Ba - HĐND tỉnh khóa XIX tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại hội trường.
Lệ Thủy - Khánh Trang