
Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp
Linh hoạt dạy và học trong điều kiện dịch bệnh

Việc dạy và học trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 là vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Các đại biểu đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phân tích rõ giải pháp để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 trong các trường học; công tác quản lý dạy thêm, học thêm; khắc phục thực tế chất lượng việc học trực tuyến hiệu quả chưa cao do hệ thống hạ tầng viễn thông chưa đảm bảo; thiếu thiết bị để học, nhất là vùng sâu, vùng xa; kỹ năng dạy và học trực tuyến của giáo viên, học sinh và việc quản lý lớp học còn hạn chế; mỗi cô, mỗi trường học sử dụng một phần mềm dạy học khác nhau, chủ yếu là phần mềm miễn phí...

Đại biểu Đinh Thị Tuyết Mai - Tổ đại biểu Tân Sơn đặt câu hỏi về chất lượng
học trực tuyến
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục đã thực hiện tốt việc dạy và học chính khóa, tranh thủ “thời gian vàng” để dạy trực tiếp, đổi mới nội dung kiểm tra, đánh giá học sinh. Đảm bảo công tác phòng dịch trong trường học, đẩy mạnh tuyên truyền về quy tắc 5K trong giáo viên, học sinh và phối hợp đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin theo quy định. Đồng thời linh hoạt kết hợp giữa hình thức học trực tiếp với trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương trong tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm. Đến nay, hầu hết các đơn vị chưa tổ chức dạy thêm, học thêm; không có cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về dạy thêm học thêm.
Đối với những khó khăn trong hoạt động học trực tuyến, đồng chí Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Hiện toàn tỉnh có khoảng 15.000 học sinh khó khăn cần hỗ trợ thiết bị học tập. Sở đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ máy tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Bên cạnh đó, vận động giáo viên trong toàn ngành ủng hộ chương trình; phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh vận động các tập thể, cá nhân huy động, đóng góp. Đồng thời tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên, học sinh các phương pháp, kỹ thuật tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức hội thảo để đánh giá, lựa chọn một phần mềm trực tuyến tốt nhất, đảm bảo chất lượng để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Nhung - Tổ đại biểu Tam Nông phản ánh tình trạng bạo lực học đường là vấn đề được cả xã hội quan tâm, lo lắng. Tháng 7/2021, xảy ra bạo lực tại khu vực gần Trường THCS Tiên Cát, thành phố Việt Trì; tháng 9/2021 ở THCS Hương Xạ, huyện Hạ Hòa, Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ và vụ việc mâu thuẫn học sinh Trường THPT Hùng Vương tại sân bóng thị xã Phú Thọ gây bức xúc trong dư luận và hoang mang tâm lý cho phụ huynh học sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Khi xảy ra các vụ việc, Sở đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm túc. Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, Ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục quan tâm bồi dưỡng kĩ năng, đạo đức, đưa phòng, chống bạo lực học đường vào các nội dung học tập chính khóa, ngoại khóa trong nhà trường. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, đẩy mạnh phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong nhà trường, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ Đoàn - Đội, giáo viên chủ nhiệm trong tuyên truyền, định hướng, tư vấn, hỗ trợ học sinh nhằm phát hiện, ngăn chặn và giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tình huống xấu có thể xảy ra.
Về các vấn đề này, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh đã triển khai tốt việc dạy và học linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh, trong đó ưu tiên đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên để tổ chức học trực tiếp, hạn chế học trực tuyến. Việc đầu tư hạ tầng viễn thông để phục vụ học trực tuyến ở những khu vực vùng sâu, vùng xa đòi hỏi nguồn lực lớn, kế hoạch triển khai lâu dài. Đồng chí đề nghị nhà trường và gia đình tiếp tục phối hợp để bảo vệ, nâng cao ý thức, đạo đức, kỹ năng cho con em mình trước tình trạng bạo lực học đường.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Tổ đại biểu thị xã Phú Thọ chất vấn về giải pháp đảm bảo chất lượng dạy môn Tiếng Anh và Tin học
Giải trình về việc đảm bảo chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh, Tin học tại các nhà trường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Hiện nay toàn tỉnh có 586 giáo viên Tiếng Anh, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học; 211 giáo viên Tin học, thiếu 11 giáo viên theo yêu cầu đề ra. Sở đang phối hợp bố trí, phân công, điều động giáo viên theo hình thức dạy liên trường, liên cấp, hợp đồng để đảm bảo chương tình học. Đồng thời phối hợp để rà soát tiếp tục bổ sung giáo viên còn thiếu.
Chấn chỉnh hoạt động của các quán bar, karaoke
Tham gia chất vấn tại hội trường, đại biểu Hoàng Ngọc Tĩnh - Tổ đại biểu Yên Lập và đại biểu Ngô Quang Chính - Tổ đại biểu Phù Ninh phản ánh việc mặc dù chưa được phép mở cửa trở lại, song thời gian qua, trên địa bàn một số huyện vẫn có những quán bar, cơ sở kinh doanh karaoke lén lút hoạt động; hoặc ở một số địa bàn có cấp độ dịch thấp, quán được phép hoạt động thì lại mở cửa quá giờ quy định... Tình hình vi phạm phạm luật trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện như bar, karaoke…, có chiều hướng phức tạp, một số đối tượng đã lợi dụng các cơ sở này để hoạt động mua bán mại dâm, sử dụng trái phép ma túy tổng hợp, sử dụng shisha, bóng cười… Điều này không những gây mất an ninh trật tự (ANTT) mà còn tiềm ẩn nguy cơ rất lớn gây lây lan dịch bệnh.

Giải trình làm rõ vấn đề này, Giám đốc Công an tỉnh Phạm Trường Giang cho biết: Toàn tỉnh hiện có 2.022 cơ sở kinh doanh có điều kiện, trong đó có 2 quán bar, 441 karaoke tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, đông dân cư. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã tiến hành kiểm tra 900 lượt quán bar, câu lạc bộ, cơ sở kinh doanh karaoke; phát hiện 26 cơ sở vi phạm, xử phạt trên 670 triệu đồng. Qua kiểm tra, Công an tỉnh cũng đã phát hiện, xử lý 16 vụ việc/192 đối tượng tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy, hoạt động mại dâm, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; xử phạt trên 600 triệu đồng.
Qua các vụ việc cho thấy, một số cơ sở kinh doanh có điều kiện không chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, còn chạy theo lợi ích kinh tế nên trong quá trình hoạt động kinh doanh còn vi phạm các quy định về an ninh trật tự và phòng chống dịch bệnh, còn để tội phạm, các đối tượng xấu lợi dụng vi phạm pháp luật. Mặt khác, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, gia tăng nguy cơ phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là đối với số đối tượng thanh thiếu niên.

Đại biểu Ngô Quang Chính - Tổ đại biểu Phù Ninh phản ánh tình trạng một số cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động sai quy định
Giám đốc Công an tỉnh Phạm Trường Giang khẳng định: Trong thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp thực hiện quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh với đó, tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhất là hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, quán bar, karaoke, massage...; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định về phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, quản lý cán bộ, chiến sỹ được phân công thực hiện nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh: Việc để xảy ra các vụ việc lây lan dịch bệnh tại các cơ sở kinh doanh karaoke thời gian qua, trách nhiệm một phần là do các lực lượng tại chỗ đã buông lỏng quản lý, cấp phép hoạt động của các cơ sở này. Các sở, ngành, địa phương liên quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và có hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân để xảy ra sự việc trên.
Phương án sử dụng nhà văn hóa khu dân cư sau sắp xếp, sáp nhập

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Tổ đại biểu Đoan Hùng về thực trạng và kết quả sắp xếp các nhà văn hóa khu dân cư sau sắp xếp, sáp nhập khu dân cư tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Toàn tỉnh hiện có 2.887 nhà văn hóa khu dân cư. Sau sắp xếp giảm xuống còn 2.328 khu dân cư; số lượng nhà văn hóa dôi dư là 559 nhà, trong đó có 1 nhà văn hóa thuộc huyện Đoan Hùng thuộc diện giải phóng mặt bằng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ rà soát, xây dựng phương án sắp xếp các nhà văn hóa. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập khu dân cư số nhân khẩu tăng, nên sử dụng chung một nhà văn hóa không đảm bảo tổ chức các hoạt động văn hóa cũng như các sự kiện được tổ chức tại địa phương. Do đó, nhiều địa phương không đề xuất phương án sắp xếp lại để chuyển nhượng quyền sử đụng đất đối với nhà văn hóa. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các huyện, thành, thị sớm hoàn thiện các phương án sắp xếp để tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa để tu sửa, nâng cấp nhà văn hóa đảm bảo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Phát huy giá trị các di sản văn hóa vùng đất Tổ
Chất vấn tại hội trường, đại biểu Nguyễn Xuân Tường – TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Tổ đại biểu Lâm Thao phản ánh, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều di sản nhưng thực tế cho thấy việc khai thác, phát huy giá trị các di sản phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa ở các địa phương chưa tương xứng với tiềm năng di sản văn hóa vùng đất Tổ.

Đại biểu Nguyễn Xuân Tường - Tổ đại biểu Lâm Thao chất vấn về vấn đề khai thác, phát huy giá trị các di sản phục vụ phát triển kinh tế - văn hóa
Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục hạn chế này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Công tác khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa cho phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản được quan tâm chú trọng. Trong đó, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa trên cơ sở khai thác giá trị 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận gắn với bảo tồn phát huy các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu có giá trị trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh xây dựng khu điểm, du lịch văn hóa đạt tiêu chuẩn công nhận khu điểm du lịch cấp quốc gia, điểm du lịch cấp tỉnh. Cùng với đó, xây dựng và khai thác các tour du lịch kết nối các di sản văn hóa phục vụ khách du lịch để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách trong nước và quốc tế.
Hiện nay, toàn tỉnh có 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có 4 bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, không phải di sản, di tích nào cũng có thể gắn với phát triển du lịch. Do đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục kiểm kê, rà soát các di sản văn hóa, di tích. Tổ chức các đoàn farmchip, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài tỉnh khảo sát để xây dựng các sản phẩm du lịch, kết nối các tour, tuyến du lịch văn hóa, trải nghiệm với các loại hình du lịch khác để quảng bá đến du khách.
Đối với hiện trạng một số di tích văn hóa đã xuống cấp, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tu bổ cụ thể. Ngoài ra, tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, kết nối, khai thác hiệu quả các di sản, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Phục hồi ngành du lịch sau đại dịch
Trả lời chất vấn đại biểu Đỗ Thị Phong - Tổ đại biểu Hạ Hòa về việc diễn biến phức tạp, kéo dài của đại dịch COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp, toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn; các giải pháp đã và sẽ triển khai để giúp ngành du lịch của tỉnh phục hồi trong thời gian tới, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch, nhiều cơ sở kinh doanh thu hẹp hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển khách du lịch tạm dừng hoạt động kinh doanh.

Đại biểu Đỗ Thị Phong - Tổ đại biểu Hạ Hòa đặt câu hỏi về giải pháp giúp ngành du lịch của tỉnh phục hồi trong thời gian tới
Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn các đơn vị doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch COVID-19, vừa tập trung phục hồi hoạt động du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp lữ hành thích ứng an toàn, linh hoạt trong hoạt động du lịch; chuyển đổi số trong phát triển du lịch. Chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch kích cầu mới lạ, độc đáo, các dịch vụ có giá thấp nhưng đảm bảo chất lượng, triển khai đa dạng các chương trình khuyến mại các dịch vụ du lịch.
Xây dựng Kế hoạch các hoạt động phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022, phương án đón khách du lịch, đồng bào về tham quan, thực hành tín ngưỡng; chuẩn bị các điều kiện tổ chức SEA Games 22; phối hợp, liên kết với các đơn vị lữ hành có uy tín xây dựng mô hình thí điểm các tour du lịch an toàn, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch an toàn tại các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh, tạo luồng xanh an toàn, điểm đến xanh an toàn cho hoạt động du lịch.
Kết luận vấn đề này, Chủ tọa kỳ họp nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch COVID-19, ngành VHTT&DL là một trong số những ngành bị tác động, ảnh hưởng nặng nề. Do đó, trong thời gian tới, ngành cần phối hợp với cấp, ngành khác để thực hiện linh hoạt các giải pháp; đồng thời chuẩn bị tốt mọi điều kiện, kịch bản để tổ chức thành công SEA Games 22, tạo tiền đề để đón khách du lịch về tỉnh. Đối với lĩnh vực văn hóa, ngoài 2 di sản Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch, điều chỉnh chiến lược để phát triển du lịch gắn với xây dựng các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nhất là đối với một số điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Đối với việc sắp xếp các nhà văn hóa dôi dư, Chủ tọa yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, sắp xếp, đảm bảo sử dụng một cách hiệu quả nhất, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư, phục vụ tốt nhất nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19
Trả lời về vấn đề kết nối cung - cầu trong đào tạo nghề hiện nay vẫn còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả, nhất là khi đội ngũ nhân lực chất lượng cao, công nhân lành nghề ơ địa phương vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu xã hội để phát triển các ngành kinh tế chủ lực, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Thu Hương cho biết: Để khắc phục hạn chế này, Sở đang tiếp tục tham mưu rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ cấu lại ngành nghề đào tạo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo nghề; đổi mới chương trình, giáo trình theo hướng giảm lý thuyết, tăng thực hành; xây dựng định mức chuẩn đầu ra cho từng ngành nghề đào tạo. Đồng thời tăng cường kết nối với doanh nghiệp để đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.

Trả lời về những giải pháp hỗ trợ việc làm cho người lao động ngoài tỉnh trở về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đợt thứ 4, bà Phạm Thị Thu Hương cho biết: Trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.000 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có 7.054 lao động từ các tỉnh về (trong đó khoảng hơn 70% là người lao động ở khu vực miền núi).
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu ban hành Kế hoạch giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; thường xuyên rà soát, tổng hợp nguồn cung lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để kết nối giới thiệu việc làm; chỉ đạo thành lập nhóm Zalo kết nối với doanh nghiệp để giải đáp, hỗ trợ chính sách về lao động, việc làm; chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm cập nhật thông tin tuyển dụng, tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối với các tỉnh lân cận để giới thiệu cho lao động trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để sử dụng hiệu quả gói cho vay từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để hỗ trợ cho các hộ sản xuất trên địa bàn mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ người dân vay vốn sản xuất tại gia đình. Đến nay, đã có 3.895 lao động được giới thiệu việc làm, hơn 4.000 lao động quay về làm việc tại các tỉnh khác; trên 3.000 lao động ở lại địa phương tham gia các ngành nghề phát triển kinh tế tại địa phương.

Đại biểu Hoàng Thị Gấm - Tổ đại biểu Cẩm Khê đề nghị trả lời về việc triển khai các quy định về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết: Đến ngày 30/11/2021, toàn tỉnh có 3.051 doanh nghiệp và 260.093 lượt người được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với số tiền trên 368 tỷ đồng, trong đó số lao động được hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền là 139.540 người với số tiền trên 333 tỷ đồng (UBND tỉnh đã ban hành Quyết định hỗ trợ 15 đợt cho tổng số 1.168 người lao động, các hộ kinh doanh và các đối tượng phải cách ly (F1), điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng; Bảo hiểm Xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết chính sách hỗ trợ bằng tiền cho 138.372 người lao động với số tiền hơn 331 tỷ đồng).
Làm rõ vấn đề phân bổ vắc xin giữa các địa phương trong tỉnh
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Thị Phương Hoa - Tổ đại biểu Thanh Sơn về tỷ lệ tiêm vắc xin phòng chống dịch COVID-19 giữa các huyện chưa đồng đều; một bộ phận người dân còn băn khoăn về chất lượng vắc xin, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Huy Ngọc phân tích: Việc phân bổ vắc xin tại tỉnh thực hiện theo đúng các nhóm đối tượng đã được quy định. Kể từ ngày 14/10/2021 sau khi bùng phát đợt dịch thứ 4, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu điều chỉnh lại cách thức phân bổ vắc xin theo hướng tập trung cho các địa phương có dịch để hạn chế lây lan dịch bệnh. Do đó một số địa phương là vùng xanh có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp hơn các địa phương khác. Sắp tới tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo đúng kế hoạch.

Giải thích về tình trạng phản ứng sau tiêm vắc xin, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Những phản ứng nhẹ là khá bình thường, người dân hoàn toàn yên tâm khi có dấu hiệu sốt, đau chỗ tiêm… như Bộ Y tế đã khuyến cáo. Đồng thời cần theo dõi kĩ, kịp thời phát hiện các phản ứng mạnh để có sự can thiệp, xử lý kịp thời. Ngành Y tế đã bồi dưỡng tốt kĩ năng cho đội ngũ cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng và đảm bảo các điều kiện an toàn cho người dân tại những điểm tiêm chủng.
“Người dân hoàn toàn yên tâm đối với chất lượng vắc xin đã cho phép sử dụng phòng, chống COVID-19. Người tiêm 2 mũi vắc xin vẫn có thể mắc COVID-19 nhưng có thể giảm triệu chứng và nguy cơ tử vong, dó đó người dân nên chủ động đăng ký tiêm chủng để bảo vệ bản thân và cộng đồng” - Giám đốc Sở Y tế khẳng định.
Công khai, minh bạch trong quản lý tài chính giữa y tế công lập và xã hội hóa
Đại biểu Đinh Văn Huynh - Tổ đại biểu Thanh Thủy đề nghị Sở Y tế cho biết giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các tuyến nhằm đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung trong đó có công tác phòng, chống dịch COVID-19 của người dân trong thời gian tới. Ông Nguyễn Huy Ngọc cho biết: Hiện hệ thống y tế được phân làm 4 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã với những quy định cụ thể về dịch vụ kĩ thuật đối với từng cấp. Do đó việc chênh lệch giữa có tuyến là đương nhiên. Ngành Y tế của tỉnh đã được đầu tư cả về nhân lực, vật lực để từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các cấp, đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đại biểu Nguyễn Thị Dưỡng - Tổ đại biểu Lâm Thao đặt câu hỏi về cơ chế quản lý tài chính giữa y tế công lập và xã hội hóa
Về yêu cầu cho biết cơ chế quản lý tài chính giữa y tế công lập và xã hội hóa được thực hiện như thế nào để đảm bảo minh bạch, tránh hiện tượng lạm dụng chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng trong khám, chữa bệnh, Giám đốc Sở Y tế khẳng định Việc quản lý, vận hành cơ chế tài chính luôn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định, bởi các lý do sau: Tất cả các hạng mục công trình được đầu tư xã hội hóa đều trải qua quá trình khảo sát, dự báo, đánh giá, xây dựng đề án và trình duyệt theo quy định; các cơ sở thực hiện xã hội hóa đều được xây dựng riêng biệt, không lồng ghép trong các cơ sở được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, có bộ máy vận hành và quản lý riêng; hệ thống tài chính của các khu vực xã hội được tách biệt lập và được bổ sung vào quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị phần còn lại sau khi trừ các chi phí.
Thẳng thắn và trách nhiệm trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Kết luận tại phiên chất vấn tại hội trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu đánh giá cao trách nhiệm trước cử tri và nhân dân của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp này. Đồng chí khẳng định: Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, có sự trao đổi, tranh luận để làm rõ vấn đề, thể hiện tinh thần, trách nhiệm của HĐND tỉnh, các vị đại biểu HĐND tỉnh trong việc theo dõi, giám sát đối với những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm. Các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, ngắn gọn, cụ thể, rõ nội dung.
Thủ trưởng các sở, ngành được chất vấn và tham gia giải trình thêm đã làm rõ các nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm, nhận trách nhiệm với những hạn chế, thiếu sót và đưa ra giải pháp; thời gian cụ thể để thực hiện, đề nghị các ngành, các cấp phối hợp thực hiện.
Ngay sau kỳ họp này, Chủ tọa kỳ họp sẽ ban hành kết luận về phiên chất vấn, trong đó sẽ hệ thống lại những vấn đề, nội dung mà qua chất vấn, trả lời chất vấn nổi lên cần tập trung giải quyết. HĐND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả để thực hiện những lời hứa, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Những nội dung bức xúc được nhiều cử tri quan tâm cần được xem xét, giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở, không chờ đến khi HĐND tỉnh có ý kiến thì mới giải quyết.
Đề nghị các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và các đại biểu HĐND tỉnh đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trước cử tri và nhân dân trong tỉnh; thường xuyên lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị xác đáng của cử tri, kịp thời phản ánh với Thường trực HĐND tỉnh, các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện những lời hứa, những giải pháp mà Giám đốc các sở, ngành, Thủ trưởng các cơ quan đã trả lời tại kỳ họp này.
Lệ Thủy - Khánh Trang