Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Kim Chi - Tổ đại biểu Thanh Ba về việc đến nay vẫn còn 13/19 dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ, đồng chí Trịnh Thế Truyền - TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh đã xác định, lựa chọn 19 dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó có 10 dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2021.
Đối với 2 dự án khởi công mới là Khu công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp các ngành, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự kiến trong tháng 12/2021, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sẽ triển khai thực hiện dự án. Đối với các dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các dự án khác hiện đang hoàn tất các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và các thủ tục khác.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Quá trình triển khai còn chậm chủ yếu là do công tác bồi thường, GPMB, xây dựng khu tái định cư còn nhiều vướng mắc. Trong số các dự án trọng điểm của tỉnh, có 3/10 dự án có thể thực hiện khởi công trong năm 2021. Các dự án còn lại hầu hết là các dự án khu đô thị với quy mô rất lớn. Để đẩy nhanh tiến độ rất cần sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự đồng thuận của người dân trong công tác kiểm đếm, bồi thường GPMB; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án.

Đại biểu Nguyễn Kim Chi - TUV, Bí thư Huyện ủy Thanh Ba, Tổ đại biểu Thanh Ba chất vấn về việc chậm tiến độ các dự án trọng điểm của tỉnh
Trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Văn Huynh - Tổ đại biểu Thanh Thủy về việc trên địa bàn tỉnh còn một số dự án chậm tiến độ nhiều năm nay như: Khách sạn Đại Hà của Công ty TNHH Đại Hà (phường Gia Cẩm, Việt Trì); Dự án Khách sạn Bãi Bằng của Công ty cổ phần thương mại du lịch khách sạn Bãi Bằng (thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh)… Các dự án này đều nằm ở vị trí “vàng”, nhưng chậm đầu tư, hoàn thiện gây lãng phí tài nguyên đất và bức xúc trong nhân dân.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền giải trình: Ngoài các dự án mà đại biểu nêu, hiện nay vẫn còn một số dự án khác cũng đang bị chậm tiến độ như: Dự án của Công ty TNHH Sông Thao; Dự án Công ty cổ phần khách sạn Suối Rồng; Dự án Công ty cổ phần khoáng sản Tây Bắc… Qua rà soát cho thấy các dự án gặp khó khăn, vướng mắc, chậm tiến độ do: Chuyển nhượng vốn giữa nhà đầu tư; nhà đầu tư gặp khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB (nhà đầu tư phải tự thực hiện việc thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các cá nhân, tổ chức có đất tại khu đất thực hiện dự án); việc thống nhất phương án bồi thường, GPMB thường kéo dài. Một số nhà đầu tư chưa thực sự phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc triển khai thực hiện dự án…

Đại biểu Đinh Văn Huynh - Tổ đại biểu Thanh Thủy chất vấn về một số dự án chậm tiến độ nhiều năm nay
Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư; chế độ báo cáo giám sát đánh giá đầu tư theo quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ; chịu trách nhiệm và chịu mọi hậu quả phát sinh theo quy định của pháp luật hiện hành nếu không thực hiện báo cáo hoặc báo cáo sai sự thực.
Đối với Dự án Khách sạn Bãi Bằng, tỉnh đã yêu cầu Cục Thuế tỉnh thực hiện cưỡng chế việc chậm nộp thuế đất trước ngày 31/12/2021. Đối với Dự án Khách sạn Đại Hà, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã họp với các ngành, yêu cầu Công ty hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng; đồng thời tham mưu UBND tỉnh quyết định cho phép gia hạn thực hiện dự án. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục theo dõi, đôn đốc, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện của nhà đầu tư; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, thực hiện các biện pháp tiếp theo; cương quyết thu hồi dự án nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng như cam kết.
Về vấn đề này, Chủ tọa kỳ họp cho rằng các dự án chậm tiến độ chủ yếu là do công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành còn chưa đồng bộ, chặt chẽ. Do đó, thời gian tới UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, sâu sát, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu tái định cư, tạo mặt bằng sạch để triển khai các dự án. Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp trục lợi chính sách; xử lý dứt điểm những tồn tại trong công tác GPMB, đồng thời triển khai các bước theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường và hoạt động khai thác cát sỏi

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phùng Thanh Sơn - Tổ đại biểu Hạ Hòa về thực tế hiện nay còn nhiều đơn vị có nguồn xả thải lớn nhưng chưa thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động theo quy định (Khu công nghiệp Cẩm Khê, Cụm công nghiệp Tử Đà - An Đạo, Cụm công nghiệp Hoàng Xá, Cụm công nghiệp Đồng Lạng Tasco, Công ty cổ phần Giấy Lửa Việt, Công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Viger, Công ty cổ phần Xi măng Phú Thọ, Công ty cổ phần Xi măng Hữu Nghị, Công ty TNHH Môi trường Phú Hà...), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 26 đơn vị có nguồn xả lớn trong danh sách bắt buộc phải lắp hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động theo quy định. Tuy nhiên mới chỉ có 16 đơn vị đã lắp đặt hệ thống (8 đơn vị lắp thiết bị quan trắc nước thải tự động và 8 đơn vị lắp hệ thiết bị quan trắc khí thải tự động).
Đánh giá tiến độ lắp đặt hệ thống của các doanh nghiệp còn chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên dự kiến có thể cho phép kéo dài đến năm 2023, do đó nhiều doanh nghiệp còn chưa chủ động lắp đặt. Ngoài ra, do chi phí lắp đặt lớn, kinh phí duy trì hệ thống cao dẫn đến một số doanh nghiệp có tư tưởng chờ đợi sự hỗ trợ của nhà nước.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường đôn đốc, kiểm tra các đơn vị chưa lắp đặt, có nguồn thải lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tự giác lắp đặt hệ thống quan trắc trong quá trình mở rộng, tiếp tục hoạt động tại tỉnh.
Về vấn đề này, chủ tọa kỳ họp đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan Công an tăng cường thanh tra định kỳ cũng như đột xuất để xử lý việc xả thải của các đơn vị không lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và đẩy mạnh giám sát việc vận hành hệ thống của các đơn vị đã lắp đặt. Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Minh Châu nhấn mạnh: Tỉnh kiên quyết chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các nhà đầu tư cam kết sẽ lắp đặt và vận hành hiệu quả hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động, không để hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng đến môi trường của tỉnh.

Đại biểu Phùng Thanh Sơn - Tổ đại biểu Hạ Hòa chất vấn về việc còn nhiều đơn vị có nguồn xả thải lớn nhưng chưa thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải và khí thải tự động theo quy định
Trước phản ánh nhiều lần của cử tri và nhân dân huyện Thanh Thủy về việc khai thác cát trên lòng sông Đà gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản và đời sống của người dân trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang khẳng định: Thời gian qua, Sở liên tục kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sỏi, tình trạng sạt lở bờ vở sông và phát hiện khu vực có tình trạng sạt lở bờ sông ở xã Xuân Lộc. Qua đánh giá xác định nguyên nhân là do thay đổi dòng chảy, biến đổi khí hậu khi các công trình thủy điện xả lũ; hoạt động của bến bãi tập kết hàng hóa, thuyền bè đi lại và khai thác cát sỏi làm thay đổi độ cao đáy sông.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các khu vực có nguy cơ sạt lở; tham mưu đầu tư hệ thống kè tại những địa điểm có nguy cơ cao; yêu cầu dừng hoạt động tất cả mỏ khai thác cát sông Đà trên địa bàn huyện Thanh Thủy, chỉ cho phép các doanh nghiệp cam kết khai thác đúng quy định, ranh giới, thời gian khai thác được hoạt động. Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát sỏi ở các tuyến sông trên toàn tỉnh. Đồng thời lắp đặt các thiết bị giám sát trên tất cả các đơn vị khai thác cát sỏi trên địa bàn tỉnh để có dữ liệu phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất chăn nuôi

Tham gia chất chất vấn tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Nhung - Tổ đại biểu Tam Nông và đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Tổ đại biểu Đoan Hùng phản ánh ý kiến của cử tri về việc hiện nay, ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi liên tục giảm sâu, khi tăng cũng chỉ nhỏ giọt, khiến người chăn nuôi không yên tâm, e ngại tái đàn; nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi hiện rất cao. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Thời gian qua, trước những khó khăn, thách thức của ngành Nông nghiệp như: Dịch bệnh trên đàn vật nuôi (tả lợn châu Phi, cúm gia cầm…) diễn biến phức tạp; dịch COVID-19 gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi làm cho giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, chưa có tín hiệu giảm; việc lưu thông vận chuyển vật tư thức ăn, thuốc thú y, sản phẩm chăn nuôi bị hạn chế; nhu cầu tiêu thụ giảm, thời gian xuất bán kéo dài, làm tăng chi phí sản xuất, dẫn đến thua lỗ, thiếu nguồn lực đầu tư tái đàn, nhất là tái đàn lợn.
Mặt khác, hiệu quả chăn nuôi thấp nên người dân lơ là trong công tác phòng, chống dịch làm khả năng phát sinh, lây lan các loại dịch bệnh rất cao. Dẫn đến, người chăn nuôi e ngại tái đàn, nguy cơ thiếu các sản phẩm gia súc, gia cầm vào dịp Tết Nguyên đán và quý đầu của năm 2022. Nắm bắt tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động chỉ đạo tổ chức rà soát lại số lượng đàn vật nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi tại các cơ sở có đủ điều kiện; đồng thời đẩy mạnh liên kết theo chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, tiết kiệm chi phí và chủ động nguồn cung thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện tốt công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tổ chức tiêm phòng vắc xin đợt 2/2021 cho đàn vật nuôi. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, vật tư nông nghiệp. Cùng với đó, tăng cường kết nối với các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tổ chức kết nối tiêu thụ sản phẩm đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng; trong đó tập trung chính vào việc cung ứng cho thành phố Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Nhung - Tổ đại biểu Tam Nông chất vấn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi
Hiện nay, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ khoảng 50 - 52 nghìn đồng/kg (lãi 5 - 7 nghìn đồng/kg) và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới; sản lượng thịt hơi (lợn, gia cầm, trâu, bò) của tỉnh những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán ước đạt từ 14 - 15 nghìn tấn/tháng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho trên 3,5 triệu người. Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành thị, các sở, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở thực hiện đồng bộ các giải pháp để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, rà soát, nắm bắt biến động tổng đàn lợn đến tận hộ chăn nuôi để phát hiện sớm, chỉ đạo xử lý nhanh các ổ dịch mới phát sinh.
Về vấn đề này, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển trang trại quy mô lớn theo hướng hàng hóa, góp phần hạn chế tối đa rủi ro do dịch bệnh, gia tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Đảm bảo quyền lợi, sinh kế cho người dân tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Quỳnh Trang - Tổ đại biểu Tân Sơn phản ánh cử tri huyện Tân Sơn đề nghị tỉnh nghiên cứu, xem xét kiến nghị với cơ quan thẩm quyền có phương án rà soát lại diện tích của Vườn Quốc gia Xuân Sơn đảm bảo tiêu chí theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ; đồng thời rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đối với phần diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nêu trên thành rừng sản xuất, để người dân được thực hiện đầy đủ các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Lê Thị Quỳnh Trang - Tổ đại biểu Tân Sơn phản ánh cử tri huyện Tân Sơn về phương án phương án rà soát lại diện tích của Vườn Quốc gia Xuân Sơn
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước đây Vườn Quốc gia Xuân Sơn là Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn, với tổng diện tích là 6.548ha. Ngày 17/4/2002, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 49/2002/QĐ-TTg về việc chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Sơn thành Vườn Quốc Xuân Sơn, với tổng diện tích 15.048ha, trên địa bàn 6 xã của huyện. Tuy nhiên, đến nay chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền về thu hồi, chuyển mục đích, giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Đất rừng sản xuất đã giao cho người dân trước khi thành lập Vườn quốc gia Xuân khoảng 2.802ha; các loại đất khác đã giao cho người dân và UBND xã quản lý khoảng 433ha. Sự chồng chéo trong giao đất như trên không phù hợp với quy định của Luật Đất đai, không thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng đất, rừng đặc dụng theo quy định của Luật Lâm nghiệp.
Để giải quyết những tồn tại trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh giao phối hợp với đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh xây dựng phương án quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Sau khi Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, Sở sẽ rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, trình Thủ tướng chính phủ điều chỉnh phạm vi, ranh giới, diện tích và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vườn Quốc gia Xuân Sơn theo quy định.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, trong thời gian chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh phạm vi, ranh giới diện tích của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, các hộ dân có đất trong phạm vi ranh giới phải chấp hành nghiêm quy chế quản lý của rừng đặc dụng theo quy định hiện hành; không được phép khai thác rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Cùng với đó, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo quy định.
Về nội dung này, Chủ tọa nhấn mạnh: Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh phạm vi, ranh giới, diện tích đất đưa ra khỏi phạm vi quản lý của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh sẽ thực hiện thủ tục giao đất cho người dân sản xuất theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu không được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ phù hợp, vừa đảm bảo sinh kế cho người dân, vừa bảo vệ hiệu quả tài nguyên rừng.
Nguồn Cổng Thông tin điện tử tỉnh