Ngày 15/6/1993, Văn phòng HĐND tỉnh được thành lập theo Quyết định số 14/QĐ-TTHĐND của Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phú, là một trong những Văn phòng thực hiện thí điểm đầu tiên việc tách ra từ Văn phòng UBND tỉnh với chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc chung cho Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; với chỉ tiêu biên chế của cơ quan Văn phòng từ 10 - 12 người, gồm bộ phận nghiên cứu tổng hợp và bộ phận hành chính quản trị. Đây là những dấu ấn khai sinh ra bộ máy giúp việc của HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh. Khi mới thành lập, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc còn nhiều thiếu thốn, nhưng thế hệ cán bộ, lãnh đạo đã không ngại khó, không ngại khổ, khắc phục mọi khó khăn, tận tụy với công việc, kịp thời tham mưu, phục vụ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh họp giao ban phân công nhiệm vụ tham mưu,
phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh.
Năm 1997 tái lập tỉnh Phú Thọ, Thường trực HĐND tỉnh ban hành Quyết định số 02-QĐ ngày 09/1/1997 về việc thành lập Văn phòng HĐND tỉnh Phú Thọ. Đến năm 2004 Thường trực HĐND tỉnh ban hành Quyết định số 17/2004 về việc đổi tên Văn phòng HĐND tỉnh thành Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh. Để hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy biên chế, năm 2007, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 545/2007/NQ-UBTVQH12 về thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; theo đó, tháng 01/2008, Thường trực HĐND tỉnh ban hành Quyết định số 01 về việc đổi tên Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Phú Thọ. Khi đó Văn phòng thành lập 03 phòng chuyên môn: Phòng Công tác đại biểu Quốc hội, Phòng Công tác HĐND, Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị; với chức năng nhiệm vụ là cơ quan giúp việc Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Đến năm 2011, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, sau khi thống nhất với Trưởng Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND đã ban hành quyết định phê chuẩn bộ máy của Văn phòng gồm 05 phòng; tuy nhiên tại thời điểm này Văn phòng chỉ thành lập, kiện toàn 04 phòng đó là: Phòng Công tác đại biểu Quốc hội, Phòng Công tác Hội đồng nhân dân, Phòng Thông tin dân nguyện và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị (Phòng Công tác Thường trực chưa thành lập), với tổng biên chế là 42 người để thực hiện các nhiệm vụ tham mưu và phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Đến năm 2016, thực hiện Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và căn cứ quy định tại Nghị định số 48/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh được tách ra và thành lập mới 2 Văn phòng: Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh. Văn phòng Đoàn ĐBQH trực thuộc Văn phòng Quốc hội quản lý với tổng biên chế 11 cán bộ công chức và người lao động. Văn phòng HĐND tỉnh trực thuộc Thường trực HĐND tỉnh quản lý, gồm có 02 phòng (Phòng Tổng hợp và Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị, với tổng số 31 biên chế).
Đến 7/2021, thực hiện Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định số 08/QĐ-HĐND ngày 30/6/2021 về cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Phú Thọ trên cơ sở hợp nhất giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh. Cho đến nay, cơ cấu tổ chức lãnh đạo Văn phòng, gồm có Chánh Văn phòng và 03 Phó Chánh Văn phòng, 04 Phòng chuyên môn với 42 biên chế.
Trải qua 30 năm, sau nhiều lần sáp nhập, chia tách, đổi tên thì chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh ngày càng được bổ sung, tăng cường. Tổ chức bộ máy tiếp tục được củng cố, hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và chuẩn hoá; cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học quản lý, công nghệ thông tin phục vụ sự điều hành nhanh chóng, chính xác; đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động ngày càng trưởng thành về bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ chuyên môn. Với truyền thống đoàn kết gắn bó, phát huy trí tuệ tập thể và trách nhiệm cá nhân, tận tuỵ với nhiệm vụ được giao, khắc phục, vượt qua những khó khăn thử thách, các thế hệ tập thể cán bộ, công chức, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Có thể nói, trong những năm, qua hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp ngày càng có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả từng bước được nâng lên và đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh Phú Thọ nói riêng. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của bộ máy tham mưu, giúp việc Văn phòng. Xác định niềm vinh dự đó, những năm qua Văn phòng luôn kịp thời tham mưu, giúp việc đắc lực cho HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh trong: Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và cả năm; xây dựng chương trình, tổ chức các kỳ họp, phiên họp thường kỳ, chuyên đề và bất thường; hoạt động tiếp xúc cử tri; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; tiếp công dân; tiếp nhận, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân; xây dựng pháp luật; hoạt động thẩm tra, giám sát, khảo sát và các hoạt động khác. Đặc biệt đã tham mưu, phục vụ, giúp việc 07 khóa Quốc hội (từ năm 1992 cho đến nay) với 55 đại biểu đã tham dự 72 kỳ họp Quốc hội; tham mưu, phục vụ, giúp việc 08 khóa HĐND tỉnh (từ tháng 7/1993 cho đến nay) với 593 đại biểu đã tham dự 95 kỳ họp HĐND tỉnh và ban hành trên 850 nghị quyết trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Văn phòng đã tích cực tham mưu để hoạt động kỳ họp HĐND tỉnh có nhiều đổi mới; chất lượng các phiên chất vấn, giải trình tại kỳ họp ngày càng được nâng lên, được cử tri và Nhân dân đồng tình, ghi nhận và đánh giá cao. Ngoài ra, thường xuyên giúp Thường trực HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp công dân theo quy định; xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tham gia sửa đổi Hiến pháp, tham gia nhiều dự án Luật mới hoặc sửa đổi bổ sung để Quốc hội thông qua. Tham mưu, giúp việc hiệu quả cho Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, các Ban HĐND tỉnh và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức giám sát, khảo sát theo kế hoạch đề ra; tổ chức các cuộc tham vấn ý kiến của Nhân dân để phục vụ giám sát. Đối với những vấn đề lớn, trọng tâm, đột xuất, những nhiệm vụ phát sinh giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh đều được Văn phòng tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng hợp đầy đủ đề xuất kịp thời với Thường trực HĐND tỉnh để chỉ đạo, xử lý kịp thời, có hiệu quả. Bên cạnh đó Văn phòng đã làm tốt công tác hành chính, tiếp nhận, ban hành văn bản, lưu trữ hồ sơ tài liệu; triển khai thực hiện tốt việc chuyển đổi số nên tại các kỳ họp HĐND tỉnh đã giảm đáng kể việc in ấn, sử dụng tài liệu bằng bản giấy; công tác quản lý tài chính, tài sản cơ quan được cải tiến đổi mới, chỉ đạo thực hiện tốt, bảo đảm tiết kiệm phục vụ kịp thời các hoạt động của HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh và của cơ quan. Công tác chỉ đạo, điều hành của Văn phòng có nhiều đổi mới và mang lại hiệu quả tích cực, các kế hoạch công tác có tính kế hoạch hóa cao, tạo được sự đồng thuận và chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Văn phòng.
Với những thành tích đã đạt được, trong những năm qua, các thế hệ cán bộ, công chức và người lao động Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: Huân chương lao động hạng Hai, hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua, bằng khen, UBND tỉnh tặng Kỷ niệm Chương Hùng Vương, tặng Cờ thi đua và nhiều Bằng khen, Giấy khen. Qua rèn luyện, thử thách, nhiều đồng chí đã trưởng thành, giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng, phát triển của tỉnh. Đặc biệt, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh rất vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Phú Thọ, phần thưởng cao quý vào đúng dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Văn phòng; đây là sự ghi nhận thành quả tiếp nối, những đóng góp với sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, người lao động của Văn phòng. Đó cũng là niềm tự hào, nguồn cổ vũ, động viên để cán bộ, công chức, người lao động của Văn phòng tiếp tục phấn đấu đạt được những thành tựu lớn hơn.
Để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và giữ vững những thành tích đã đạt được trong những năm qua, trong thời gian tới, tập thể cán bộ, công chức, người lao động Văn phòng cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể là:
1. Tham mưu xây dựng chương trình làm việc, kế hoạch hoạt động hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và cả năm của Đoàn ĐBQH, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh; tổ chức phục vụ việc thực hiện chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt; tổ chức, phục vụ Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội trực tiếp đóng góp ý kiến, tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự án Luật, dự án Pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và các văn bản khác theo yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; các cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét giải quyết.
2. Tham mưu và phục vụ Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát; theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện kiến nghị trong kết luận giám sát; phục vụ trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân. Tiếp tục tham mưu xây dựng, ban hành cuốn Bản tin hoạt động Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh ngày càng có chất lượng; duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên mục “Vấn đề cử tri quan tâm”, “Đại biểu dân cử với cử tri” phát sóng trên Đài Phát thanh cà Truyền hình tỉnh hàng tháng.
3. Tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh điều hoà, phối hợp hoạt động của các đại biểu Quốc hội, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh; bảo đảm việc thực hiện quy chế hoạt động; phục vụ công tác đối ngoại; công tác thẩm tra đề án, báo cáo, dự thảo nghị quyết; giúp Thư ký kỳ họp HĐND hoàn chỉnh nghị quyết của HĐND tỉnh; giúp Thường trực HĐND hoàn thiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đồng thời, tham mưu và phục vụ tốt công tác giao ban, trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp.
4. Tiếp tục chủ động chăm lo đến đời sống cán bộ công chức, viên chức; công tác đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. Tạo môi trường lành mạnh và giữ vững khối đoàn kết, cùng nhau đồng thuận thi đua thực hiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ chuyên môn; tích cực tham gia các hoạt động, các phong trào thi đua của các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị hữu quan thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh giao cho, xứng đáng với dòng chữ “Đoàn kết, đổi mới và phát triển” mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Phú Thọ trao tặng.
Cao Văn Thắng
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Phú Thọ