Quang cảnh phiên chất vấn
Chất vấn nhiều nội dung thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Trả lời ý kiến của đại biểu về việc nhiều hộ dân hiến đất xây dựng công trình dự án, tuy nhiên việc chỉnh lý biến động đất đai rất chậm dẫn đến vướng mắc khi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang cho biết: Trên địa bàn tỉnh còn nhiều công trình chưa thực hiện thu hồi, chuyển mục đích giao đất, dẫn đến ngành Tài nguyên và Môi trường không đủ thủ tục pháp lý để chỉnh lý biến động đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân liên quan. Đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ pháp lý để giải quyết tình trạng này.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Văn Quang trả lời chất vấn
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Nghị định của Chính phủ cũng quy định: “Hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa rác theo quy định sẽ bị phạt tiền”. Đại biểu đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết với trách nhiệm của mình, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện các quy định trên như thế nào khi thời gian chỉ còn 6 tháng nữa.
Về vấn đề này, ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành hướng dẫn thực hiện quy định trên nhưng chưa ban hành định mức kinh tế - kĩ thuật liên quan đến việc vận chuyển, xử lý, thu gom rác thải. Do đó, việc thực hiện quy định còn khó khăn không chỉ với tỉnh Phú Thọ mà trên cả nước. Thời gian tới, căn cứ vào điều kiện thực tế, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu tổ chức thí điểm ở một số phường trên địa bàn thành phố.

Đại biểu Hoàng Thị Gấm - Tổ đại biểu khu vực huyện Cẩm Khê đặt câu hỏi chất vấn cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
Đối với phản ánh của cử tri về việc các bãi chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt tạm thời trên địa bàn tỉnh đã quá tải, trong khi Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện Trạm Thản chưa đi vào hoạt động gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Theo tiến độ, cuối năm 2024 Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt và phát điện Trạm Thản sẽ đi vào hoạt động. Từ nay đến thời điểm đó, các địa phương tận dụng phương tiện, bãi chôn lấp, xử lý hiện nay để giải quyết vấn đề rác thải.

Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Minh Tuấn làm rõ thêm về vấn đề khai thác đất trái phép diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh
Giải trình về tình trạng khai thác đất trái phép tại một số địa phương gây ảnh hưởng đến môi trường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhận trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, đồng thời đề nghị chính quyền cấp huyện, cấp xã cùng lực lượng công an phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hoạt động lợi dụng hạ cốt đắp nền để khai thác đất trái phép.
Về nội dung này, Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Minh Tuấn nhận định: Tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý triệt để. Đáng chú ý, trong đấu tranh phát hiện các vụ án môi trường, có trường hợp người dân thỏa thuận, “bắt tay” với các đối tượng khai thác trái phép. Do đó, thời gian tới, lực lượng công an sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nắm bắt tình hình. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.
Kiểm soát chặt chẽ việc xuất hóa đơn kinh doanh vàng, xăng dầu

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Huy Hồng trả lời chất vấn
Đại biểu Ngô Quang Chính - Tổ đại biểu khu vực huyện Phù Ninh đặt câu hỏi chất vấn về việc thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều người dân đi mua vàng, mua xăng không lấy hóa đơn hoặc đơn vị bán vàng, xăng không xuất hóa đơn, đề nghị Cục trưởng Cục Thuế tỉnh làm rõ thêm về công tác quản lý, kiểm soát xuất hóa đơn kinh doanh vàng, xăng dầu hiện nay trên địa bàn tỉnh như thế nào; thực trạng này có ảnh hưởng đến việc thu ngân sách Nhà nước không?

Đại biểu Ngô Quang Chính - Tổ đại biểu khu vực huyện Phù Ninh chất vấn về công tác quản lý, kiểm soát xuất hóa đơn điện tử
Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Huy Hồng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Theo quy định của Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định về hóa đơn, chứng từ, kể từ ngày 1/7/2022, không chỉ riêng ngành kinh doanh xăng dầu mà tất cả ngành kinh doanh khác phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, không phân biệt giá trị từng lần bán, cung cấp dịch vụ.
Tính đến nay, 100% các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vàng trên địa bàn đã kết nối với cơ quan Thuế và thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán, vì vậy người mua không lấy hóa đơn thì hóa đơn vẫn được xuất. Trường hợp người mua hàng muốn lấy hóa đơn có ghi cụ thể thông tin thì yêu cầu cửa hàng bổ sung thông tin lên hóa đơn.
Đối với ngành kinh doanh vàng bạc thì việc xuất hóa đơn từng lần phụ thuộc vào tính tự giác của doanh nghiệp. Thời gian qua, ngành Thuế đã thành lập các tổ công tác giám sát tình hình thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc xuất hóa đơn còn gặp nhiều khó khăn do tâm lý người dân khi đi mua vàng đều không muốn lấy hóa đơn. Mặc dù người dân không cung cấp thông tin, song 100% các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều thực hiện việc xuất hóa đơn theo quy định.
Cục Thuế tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách Nhà nước và thu hồi nợ đọng thuế, trong đó bổ sung nhiệm vụ chống thất thu đối với các ngành kinh doanh vàng bạc, xăng dầu. Trong thời giới, Cục Thuế tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tăng cường tuyên truyền, thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng hóa đơn điện tử điện tử; đẩy mạnh triển khai chương trình quay thưởng hóa đơn may mắn của ngành Thuế nhằm khuyến khích người dân tham gia sử dụng hóa đơn điện tử; tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, rút giấy phép kinh doanh và xử lý theo quy định nếu vi phạm.
Giải quyết kịp thời thủ tục hành chính về đất đai liên thông dữ liệu với cơ quan thuế
Trả lời chất vấn của đại biểu Hoàng Ngọc Tĩnh - Tổ đại biểu khu vực huyện Yên Lập về tình trạng giải quyết thủ tục hành chính về đất đai bị chậm, muộn do lỗi hệ thống khi thực hiện luân chuyển, ký duyệt hồ sơ liên thông dữ liệu với cơ quan thuế, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Huy Hồng cho biết: Ứng dụng trao đổi thông tin theo hình thức điện tử để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai do Tổng cục Quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng.

Đại biểu Hoàng Ngọc Tĩnh - Tổ đại biểu khu vực huyện Yên Lập đề nghị làm rõ việc chậm giải quyết thủ tục hành chính về đất đai liên thông dữ liệu với cơ quan thuế
Ứng dụng được triển khai thí điểm cho địa bàn thành phố Việt Trì từ tháng 5/2019 và đến nay đã triển khai cho toàn bộ các địa bàn trong toàn tỉnh, trong đó Yên Lập là địa bàn triển khai đầu tiên vào tháng 6/2021. Tuy nhiên, qua theo dõi và rà soát từ năm 2022 dến tháng 5/2024, Chi cục Thuế khu vực Cẩm Khê - Yên Lập đã thực hiện xác định nghĩa vụ tài chính, ban hành thông báo thuế và trả kết quả đúng hạn 6.904 hồ sơ, bằng 98,1%; số hồ sơ xử lý chậm là 134 hồ sơ, chiếm 1,9%.
Nguyên nhân là do trên ứng dụng không có chức năng hỗ trợ gửi thông báo đến người sử dụng khi có các công việc phát sinh phần nào gây khó khăn cho quá trình theo dõi, kiểm soát việc gửi phiếu chuyển và nhận kết quả trả về; việc kiểm soát hồ sơ sau khi gửi cơ quan Thuế của Văn phòng đăng ký đất đai chưa được kịp thời; một số hồ sơ khi tiếp nhận không đầy đủ thông tin để làm cơ sở để xác định nghĩa vụ tài chính, dẫn đến hồ sơ phải trả đi trả lại nhiều lần để bổ sung.
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Huy Hồng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của cử tri và Nhân dân đối với các nội dung này và quán triệt, chỉ đạo các Chi cục Thuế khắc phục triệt để tình trạng này trong thời gian tới.
Trong phiên làm việc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời chất vấn liên quan đến tiến độ thực hiện Nghị quyết 111 /2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 18/01/2024 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 202 - 2025; việc ban hành tiêu chí lựa chọn dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị trong các ngành, nghề, lĩnh vực khác không thuộc lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tiêu chí lựa chọn dự án, phương án sản xuất, dịch vụ của cộng đồng để có cơ sở thực hiện dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.