Quang cảnh buổi giám sát
Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Hồng Lâm - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Thời gian qua, Sở Y tế phối hợp với UBND các huyện, thành, thị và các ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý hoạt động KCB ngoài công lập; tổ chức tuyên truyền các văn bản liên quan đến quản lý hành nghề y, dược để nâng cao nhận thức của người dân, người hành nghề và cơ sở KCB; thường xuyên rà soát, bổ xung hồ sơ hoạt động; chấp hành nghiêm các quy định, quy chế chuyên môn và giám sát, báo cáo và cập nhật người hành nghề, cập nhật các cơ sở hành nghề KCB tư nhân trên địa bàn.
Lãnh đạo Sở Y tế báo cáo kết quả hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế ngoài công lập
Các cơ sở KCB ngoài công lập được cấp phép hoạt động và thực hiện đúng quy định của pháp luật; một số đơn vị đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, khoa học; đội ngũ y bác sỹ, thầy thuốc có kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn, quản lý..., góp phần giảm tải cho các cơ sở Y tế công, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản ngay tại cộng đồng của người dân trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hồng lâm phát biểu tại buổi giám sát
Hiện, mạng lưới KCB ngoài công lập trên địa bàn tỉnh có 3 bệnh viện tư nhân là Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Hùng Vương, Bệnh viện đa khoa Việt Đức, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Phú Thọ; 327 phòng khám; 40 phòng chẩn trị y học cổ truyền; 59 cơ sở dịch vụ Y tế. Tổng số nhân lực hành nghề KCB ngoài công lập trên địa bàn tỉnh hiện có 1.336 người; trong đó có 462 bác sỹ, 429 điều dưỡng, 132 kỹ thuật viên, 21 hộ sinh, 292 trình độ chuyên môn khác.
Từ năm 2021 đến tháng 8/2024, Sở Y tế đã cấp 2.349 chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động về Y, 183 giấy phép hoạt động cho các cơ sở KCB ngoài công lập; có 3 bệnh viện và 10 phòng khám đa khoa đã được Sở Y tế và BHXH tỉnh cho phép ký hợp đồng khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (KCB BHYT).
Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn
Với tinh thần thẳng thắn, các thành viên đoàn giám sát đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác KCB ngoài công lập như: Một số cơ sở KCB ngoài công lập có quy mô nhỏ lẻ, chưa có các chuyên khoa sâu, dịch vụ chưa đa dạng, việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật cao còn hạn chế; nguồn nhân lực cơ hữu còn hạn chế về tuổi, sức khỏe; việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới liên quan đến hành nghề y, dược đến các cơ sở có lúc chưa kịp thời; một số cơ sở chưa thực hiện đầy đủ quy định về niêm yết công khai giá dịch vụ KCB; công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở hoạt động ngoài giờ còn khó khăn...
Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh ngoài công lập, góp phần bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, Trưởng đoàn giám sát đề nghị: Sở Y tế cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hành nghề tại các cơ sở y tế ngoài công lập; thanh tra, kiểm tra và hậu giám sát thanh tra, kiểm tra; có biện pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi cho người dân.
Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát tại Bệnh viện đa khoa Việt Đức
Tiếp tục tham mưu với tỉnh để có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế ngoài công lập tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, các gói hỗ trợ mua sắm trang thiết bị y tế nhằm nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hành nghề, chất lượng khám chữa bệnh. Phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét, quyết định cho các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT.
Tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là chuyên môn sâu, khuyến khích, khen thưởng đối với những cá nhân, đơn vị có thành tích cống hiến cho cộng đồng; nghiên cứu, đề xuất với tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hệ thống y tế ngoài công lập, có cơ chế thu hút bác sĩ giỏi, bác sĩ có tay nghề về làm việc trên địa bàn tỉnh; có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích mạnh mẽ với các mô hình y tế tư nhân...
Trước đó, Đoàn giám sát đã giám sát thực tế tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn và Bệnh viện Đa khoa Việt Đức.
NT