![](https://phutho.gov.vn/userfiles/image/2024/Th%E1%BB%A7y/T12/CTUBND.jpg)
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang phát biểu tại Kỳ họp
…
Trước hết, thay mặt UBND tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn HĐND tỉnh đã cơ bản đồng tình với các Báo cáo, Tờ trình của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp. Hầu hết các ý kiến khẳng định năm 2024, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, khó lường; tình hình trong nước, trong tỉnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là cơn bão số 3 (Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, gây thiệt hại nặng nề ở một số huyện trên địa bàn tỉnh. Song được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành; sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, cử tri và toàn thể nhân dân; chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Theo chương trình kỳ họp và được sự đồng ý của Chủ tọa kỳ họp; sau đây, thay mặt UBND tỉnh, tôi báo cáo và làm rõ thêm một số vấn đề chủ yếu về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 và các ý kiến thảo luận tại Tổ, tại hội trường cũng như ý kiến của cử tri trước kỳ họp, như sau:
* Về những kết quả đạt được:
(1) Năm 2024, kinh tế đạt mức tăng trưởng 9,53%, cao nhất trong 15 năm qua (từ năm 2011 đến nay), nằm trong nhóm 10/63 địa phương có tốc độ tăng cao của cả nước, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc (sau Bắc Giang 13,85%, Lai Châu 10,52% - do có thủy điện); cả nước ước tăng trưởng 6,8 - 7%. Quy mô kinh tế của tỉnh đạt trên 109,2 nghìn tỷ đồng, tăng trên 11 nghìn tỷ đồng so năm 2023 (đứng thứ 35 cả nước - đứng thứ 3 vùng vùng trung du và miền núi phía Bắc, sau Bắc Giang - 207 nghìn tỷ đồng, Thái Nguyên - 162,5 nghìn tỷ đồng).
(2) Hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đều đạt khá, trong đó nổi bật là:
- Sản xuất công nghiệp tăng cao 16,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng tăng 42,1%, nằm trong nhóm cao nhất cả nước.
- Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 30,25 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 15,4 tỷ USD (tăng 39,6% so với năm 2023), tiếp tục nằm trong nhóm 10 địa phương có đóng góp cao trong xuất nhập khẩu của cả nước.
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 8.492,6 tỷ đồng, tăng 24% so dự toán. Trong đó, thu từ sản xuất kinh doanh (không kể thu từ tiền đất) đạt 6.212,6 tỷ đồng, tăng 24,4% so với dự toán và tăng 6% so với năm 2023. Có 2 khoản thu không lớn, nhưng có chuyển biến tích cực so với các năm trước, đó là: Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cả năm đạt 600 tỷ đồng (tăng 30,4%), những năm trước đây chỉ đạt khoảng 300 - 320 tỷ đồng/năm; Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 47 tỷ đồng, tăng 74%, trước đây chỉ đạt khoảng 22 - 26 tỷ đồng.
(3) Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mỗi xã một sản phẩm được tập trung chỉ đạo, ngày càng được nâng cao về chất lượng. Đến nay toàn tỉnh đã có 6 huyện, 141 xã đạt chuẩn NTM, 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu. Năm 2024 có thêm 71 sản phẩm OCOP, đến nay đã có 308 sản phẩm OCOP, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025 (mục tiêu đến năm 2025 có 228 sản phẩm OCOP).
(4) Khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung chỉ đạo, đạt được những kết quả quan trọng.
- Nhiệm vụ tháo gỡ “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng (GPMB) tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt và tập trung thực hiện cao độ; góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đầu tư tư nhân trọng điểm (16/20 dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản hoàn thành, vượt tiến độ trước 1 năm).
- Cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, xã hội số được cải thiện rõ rệt; các chỉ số phản ánh công tác cải cách hành chính CCHC, chất lượng quản trị và phục vụ Nhân dân được xếp trong tốp đầu cả nước; trong đó: Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp thứ 9/63 tỉnh thành, tăng 9 bậc; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng 14 bậc, thuộc nhóm 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước.
(5) Các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo tiếp tục có chuyển biến và nâng cao. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn tiếp tục có tiến bộ (năm 2024 tiếp tục xếp thứ 8 cả nước về kết quả thi tốt nghiệp THPT).
Các hoạt động văn hóa, thể thao tiếp tục duy trì và phát triển, nhất là các giải thể thao lớn, các giải thi đấu bóng đá quốc tế và khu vực. Các chính sách về lao động, việc làm, an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được thực hiện kịp thời, đầy đủ.
(6) Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Như vậy, 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của năm 2024 đều đạt và vượt kế hoạch. Đến hết năm 2024 đã có 11/15 đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến 2025; còn 4 chỉ tiêu tiệm cận sẽ thực hiện đạt và vượt trong năm 2025.
Những kết quả đạt được thể hiện rõ sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp toàn tỉnh. Là kết quả và tích lũy của quá trình phấn đấu thực hiện trong nhiều năm qua và nhiều nhiệm kỳ qua.
Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin trân trọng cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh; các cấp, các ngành; cử tri và Nhân dân trong tỉnh đã luôn quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện, giúp đỡ UBND tỉnh vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh trong năm 2024.
* Về những tồn tại, hạn chế: Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như trong báo cáo đã nêu; còn nhiều vấn đề cử tri và các đại biểu quan tâm, cần được tập trung chỉ đạo, trong đó nổi bật là:
(1) Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các ngành công nghiệp truyền thống, chủ lực; hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong các ngành chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng,...; trong đó sản xuất gạch giảm 8,8%, xi măng giảm 8,9%, rượu giảm 2,4%, mì chính giảm 14%,...
Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp rất khó khăn, thấp hơn cùng kỳ các năm trước (tăng trưởng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng 3 năm liên tiếp giảm mặc dù lãi suất giảm sâu (năm 2022 tăng 12,5%, năm 2023 tăng 11,8% và năm 2024 chỉ tăng 8,1%); dư nợ trung và dài hạn, chỉ tăng 1% so với năm 2023).
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, kinh tế có điểm sáng là các dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng đã bổ sung năng lực mới, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh (Công ty BYD (điện tử) có doanh thu tăng trên 35 nghìn tỷ đồng; Công ty TNHH Innovation Việt Nam (sản xuất tai nghe không dây) tăng trên 1 nghìn tỷ đồng; Công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời tăng trên 3 nghìn tỷ đồng;…).
(2) Mặc dù ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã xác định danh mục các dự án trọng điểm, ban hành các chương trình, kế hoạch để tập trung chỉ đạo; tuy nhiên tiến độ triển khai một số công trình, dự án chưa đạt yêu cầu so mục tiêu đề ra cần chấn chỉnh, khắc phục. (Trong đó có 3/10 dự án trọng điểm chậm tiến độ: đường Âu Cơ; Nhà Văn hóa nghệ thuật tỉnh; Khu đô thị mới Đông Nam Việt Trì); 3/10 dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư (Khu đô thị sinh thái thể thao Việt Trì; Khu dịch vụ đô thị văn hóa thể thao và sân gôn Ao Châu; sân gôn quốc tế Thanh Nguyên Riverside); 8 dự án tồn tại kéo dài thuộc diện Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh trực tiếp chỉ đạo còn vướng mắc chưa giải quyết dứt điểm).
Nguyên nhân là do các quy định của pháp luật mới có nội dung còn bất cập, chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương dẫn đến khó khăn trong áp dụng, tổ chức thực hiện như việc xác định dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất hay doanh nghiệp thỏa thuận nhận chuyển nhượng; tiến độ GPMB, tái định cư các dự án còn chậm, được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ các dự án; có 5/8 dự án vướng mắc kéo dài phải đưa ra Tòa án các cấp giải quyết theo quy trình thủ tục tố tụng dân sự, tố tụng kinh tế, liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của nhiều tổ chức, cá nhân.
(3) Hụt thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh năm 2024 là 501 tỷ đồng/864 tỷ đồng so với dự toán HĐND tỉnh giao - đây là tiền chưa thu được từ các dự án lớn thuộc ngân sách cấp tỉnh, các dự án này đến nay vẫn chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, dự kiến sẽ triển khai đấu giá ngay trong đầu năm 2025.
Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do nhiều vướng mắc phát sinh trong thực tiễn: Khi các Luật mới đẩy nhanh tiến độ thi hành trước 6 tháng so với dự kiến, do đó nhiều dự án đang triển khai theo Luật cũ phải điều chỉnh lại quá trình, thủ tục nên thời gian kéo dài. Quá trình thực hiện Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đấu thầu sửa đổi dẫn đến cách hiểu, cách làm một số quy định chưa thống nhất. Nhiều quy định thay đổi về quy trình tổ chức đấu giá như phương án đấu giá, thẩm quyền xác định giá đất, phương pháp định giá đất... đặc biệt là gặp rất nhiều khó khăn trong lựa chọn tư vấn xác định giá đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất; nên hầu hết các dự án đấu giá quyền sử dụng đất sau tháng 8/2024 mới triển khai được.
Trong 6 tháng đầu năm, thu từ tiền sử dụng đất của cả tỉnh đạt 706 tỷ đồng, trong đó có 250 tỷ đồng là kết quả đấu giá từ cuối năm 2023 nhưng có hạn nộp trong năm 2024; như vậy 6 tháng đầu năm chỉ đấu giá được 456 tỷ đồng. Sau khi tháo gỡ được một số vướng mắc liên quan đến thủ tục khi áp dụng các Luật mới, thì tiền thu từ sử dụng đất đã đạt 1.101,4 tỷ đồng. Theo đó, tổng thu tiền sử dụng đất điều tiết các cấp vẫn ước đạt 1.680 tỷ đồng, bằng 120% dự toán pháp lệnh. Tiến độ thu tiền sử dụng đất năm nay là khó khăn chung trên cả nước. Tính đến cuối tháng 11/2024 khoản thu tiền sử dụng đất trên địa bàn cả nước mới đạt 82,8% dự toán.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là do chúng ta không lường hết được khó khăn, vướng mắc, những vẫn đề mới phát sinh từ thực tiễn khi áp dụng các Luật mới, nên lúng túng, chậm trễ trong biện pháp tháo gỡ, triển khai; việc thực hiện quy trình, thủ tục thẩm định, xác định giá đất còn rất chậm; việc tổ chức thực hiện một số quy định của các Luật mới còn bất cập, chưa theo kịp thực tiễn và yêu cầu phát triển.
(4) Công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa đảm bảo yêu cầu; tiến độ thực hiện Đề án thu gom, xử lý rác thải còn chậm; dự án xây dựng Nhà máy điện rác Trạm Thản tiếp tục chậm tiến độ; theo 6 lần điều chỉnh, hạn cuối đến hết tháng 12/2024 phải đưa vào hoạt động; tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã được chỉ ra trong các Báo cáo và được các đại biểu thảo luận, tham luận, yêu cầu giải trình, chất vấn tại Kỳ họp. Thay mặt UBND tỉnh, tôi xin thẳng thắn nhìn nhận, nghiêm túc tiếp thu và sẽ cùng tập thể UBND tỉnh đề ra giải pháp cụ thể để tập trung chỉ đạo khắc phục trong năm 2025 và những năm tới.
* Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025
Năm 2025 là năm cuối thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; năm tổ chức nhiều sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh như: Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng; sắp xếp, tinh gọn bộ máy; sáp nhập các xã, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2021 - 2024, dự báo những thuận lợi, khó khăn năm 2025 từ tình hình quốc tế, khu vực, trong nước tác động tới tỉnh, UBND tỉnh đã đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu năm 2025. Nếu 15/15 chỉ tiêu năm 2025 đạt kế hoạch; giai đoạn 2021 - 2025 có 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo phấn đấu đạt các chỉ tiêu ở mức cao hơn; đặc biệt là những chỉ tiêu còn tiệm cận. Trên tinh thần đó, tôi xin nhấn mạnh những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm UBND tỉnh sẽ chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện năm 2025, cụ thể như sau:
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
- Tiếp tục tập trung chỉ đạo rà soát, kiên quyết xử lý các dự án tồn đọng, chậm tiến độ kéo dài, chống lãng phí theo chỉ đạo của Trung ương. Vừa qua UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại tổng thể các dự án đã cho chủ trương đầu tư; dự án vướng mắc, chậm tiến độ và sẽ xem xét cụ thể đối với từng dự án; dự án nào không có khả năng thực hiện sẽ thu hồi, giảm quy mô đầu tư.
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức; trong đó nghiên cứu, tổ chức lại hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, bảo đảm có đủ năng lực thực hiện hiệu quả ngay từ khâu hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện dự án.
- Tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng. Trong năm 2025, phấn đấu bàn giao khoảng 600ha mặt bằng sạch cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 dự án quốc gia là đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; đường dây 500KV Lào Cai - Vĩnh Yên. Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trọng điểm còn lại giai đoạn 2021 - 2025 (toàn tuyến đường liên vùng; đường Âu Cơ, đường Lê Lợi, TP Việt Trì; đường Tân Phú - Xuân Đài; Nhà Văn hóa nghệ thuật tỉnh). Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải để triển khai bảo đảm tiến độ dự án cầu Phong Châu mới (dự kiến khởi công ngày 22/12/2024), phấn đấu hoàn thành trong năm 2025.
* Để làm tốt việc này, UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, khẩn trương lập điều chỉnh Bảng giá đất 5 năm trình HĐND tỉnh ngay từ đầu năm để áp dụng trên địa bàn tỉnh; dự kiến tháng 2, tháng 3/2025 UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh.
Thứ hai, nghiên cứu áp dụng ngay các quy định mới của Luật Đầu tư công năm 2024 về việc tách dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập; các quy định của Luật Địa chất và Khoáng sản về vật liệu san lấp, đắp nền móng công trình để thực hiện đối với các dự án. Hiện nay còn vướng mắc về kinh phí để đầu tư các khu tái định cư các dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất như dự án đô thị, cụm công nghiệp.
Thứ ba, yêu cầu các chủ đầu tư, các cấp, các ngành nghiêm túc chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế; họp bàn, thống nhất ngay từ đầu về chủ trương, phương pháp, cách làm; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và đội ngũ cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ; tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành và giữa sở, ngành với huyện và các cơ quan có liên quan.
* Về phát triển các lĩnh vực kinh tế:
- Về sản xuất công nghiệp: Chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục để khởi công mới, mở rộng, nâng công suất 32 dự án FDI và 44 dự án đầu tư trong nước đã thu hút trong năm 2024, hoàn thành, đi vào sản xuất trong năm 2025. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút các dự án công nghiệp mới đầu tư vào các KCN, CCN đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, nhất là KCN Cẩm Khê, Trung Hà I, CCN Vạn Xuân,...
- Về lĩnh vực dịch vụ: Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về du lịch, dịch vụ; trong đó phấn đấu hoàn thành phân khu 2 sân golf Tam Nông 1 và Tam Nông 2; khởi công dự án Nam Đền Hùng, dự án Sân gôn quốc tế Thanh Nguyên Riverside,... một số dự án dịch vụ khu vực Thanh Thủy, Tam Nông. Chú trọng phát triển các ngành dịch vụ thiết yếu hỗ trợ phát triển công nghiệp; đặc biệt là nghiên cứu, thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics, vận tải, kho bãi gắn với quy hoạch đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Rà soát điều chỉnh Quy hoạch Khu di tích lịch sử Đền Hùng, gắn với quy hoạch chung và Đề án xây dựng thành phố Việt Trì thành trung tâm lễ hội.
- Về sản xuất nông nghiệp: Chỉ đạo hoàn thành toàn bộ các kế hoạch phát triển các lĩnh vực, các cây trồng chủ lực giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2026 - 2030. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các huyện, xã, các khu dân cư đã đạt chuẩn lên chuẩn nâng cao, kiểu mẫu. Tăng cường các hoạt động sản xuất - kinh doanh, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và phát triển các sản phẩm OCOP.
Thứ tư, tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; chú trọng làm tốt công tác dự báo, phòng chống, khắc phục thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.
- Tập trung cao độ thực hiện, hoàn thành cơ bản những nội dung Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây là nhiệm vụ khó, phức tạp. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo tách bạch từng nội dung đo đạc lập bản đồ với việc quy chủ và việc cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện. Hoàn thành công tác đo đạc, kê khai đăng ký đất đai đến đâu thì phải cập nhật, bổ sung và sử dụng ngay cơ sở dữ liệu địa chính.
- Quyết liệt thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng Đề án giai đoạn 2026 - 2030
+ Vừa rồi việc thu phí dịch vụ thu gom xử lý rác thải sinh hoạt còn bất cập ở thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ do các đơn vị cứng nhắc trong áp dụng cách thu phí theo số lượng người/tổ chức; trong khi đó, Đề án đã xác định phương án tính phí theo 2 cách (số lượng người/tổ chức và theo khối lượng rác thực tế). Việc này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể để thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ thực hiện.
Thứ năm, tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp điều hành thu chi ngân sách Nhà nước, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
- Tăng cường xúc tiến đầu tư, phấn đấu năm 2025 huy động tổng vốn đầu tư trên 54 nghìn tỷ đồng. Như vậy giai đoạn 2021 - 2025 huy động được khoảng 220 nghìn tỷ đồng, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoảng 60 nghìn tỷ đồng.
- Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo thu ngân sách Nhà nước, hoàn thành vượt dự toán giao (7.791 tỷ đồng), phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025 đạt trên 10 nghìn tỷ đồng. Về mục tiêu này, nếu năm 2022 không thực hiện các chính sách miễn giảm thuế thì Phú Thọ đã đạt mục tiêu 10 nghìn tỷ đồng (năm 2022 giảm thu 1.142 tỷ đồng, trong đó mức thuế GTGT giảm từ 10% xuống 8% đã làm giảm thu 610 tỷ đồng; giảm thu thuế bảo vệ môi trường 480 tỷ đồng).
Năm 2024, thực hiện 5 chính sách giảm thuế đã làm giảm thu 1.527 tỷ đồng; trong đó chính sách giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu làm giảm thu 975 tỷ đồng, nếu không giảm thì cũng đã đạt. Để bảo đảm tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025, thì sẽ tập trung chỉ đạo bảo đảm nguồn thu từ nhiều nguồn từ như: Thuế xuất nhập khẩu; thuế bảo vệ môi trường; huy động từ các doanh nghiệp trong tỉnh nhưng đầu tư tại tỉnh ngoài; thu từ đấu giá quyền sử dụng đất…
Nhiệm vụ nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh năm 2025 (số giao đầu năm) chỉ là 370 tỷ đồng; tuy nhiên, theo dự tính trên cơ sở 16 dự án chuyển tiếp từ năm 2024 (đang hoàn thiện các thủ tục) sẽ phấn đấu tổ chức thực hiện ở mức cao hơn. Dự kiến trong quý I/2025 là khoảng 600 tỷ đồng (như dự án Khu nhà ở đô thị phố Đoàn Kết, quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì; Khu nhà ở đô thị Đồng Và, Tam Nông; Khu dân cư nông thôn Tứ Xã, Lâm Thao...); đấu giá trong quý II khoảng 1.000 tỷ đồng (như dự án Tổ hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở tại xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì; Khu nhà ở dân cư Vạn Xuân, Tam Nông; Khu nhà ở đô thị hai bên đường Hùng Vương, TX Phú Thọ,...). Ngoài ra, một số dự án có thể nộp tiền thuê đất trong năm là 1.750 tỷ đồng (Khu nhà ở Tiên Cát, Khu đô thị Việt Séc (giai đoạn 2), Khu đô thị mới Tây Nam (đợt 2 - giai đoạn 1), Khu đô thị hai bên đường Hùng Vương (đoạn qua KCN Phú Hà), thị xã Phú Thọ).
Thứ sáu, tiếp tục chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm, trọng điểm về các lĩnh vực xã hội như trong Báo cáo đã nêu, trong đó:
- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo gắn với phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2025 - 2035, phát triển Trường THPT chuyên Hùng Vương đến năm 2030. Phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục rà soát, bổ sung tuyển dụng giáo viên ở các cấp học phù hợp với chỉ tiêu được giao năm 2025.
- Chấn chỉnh công tác dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường ở tất cả các bậc học; vấn đề lạm thu trong trường học; kịp thời xử lý, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm.
- Thực hiện kịp thời, đầy đủ các chương trình, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong đó, huy động tối đa các nguồn lực xã hội, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung này Thường trực Tỉnh ủy đã nghe và cho chủ trương thực hiện thời gian tới, đó là: Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện; cấp tỉnh phân công Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh làm Phó Ban Thường trực; cơ quan Ủy ban MTTQ tỉnh là cơ quan Thường trực.
Tổ chức thực hiện theo 3 nhóm đối tượng: nhóm người có công thực hiện theo quy định hỗ trợ người có công; nhóm đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện theo Chương trình mục tiêu quốc gia; nhóm hộ nghèo, cận nghèo thực hiện theo chương trình của tỉnh (qua MTTQ).
Thứ bảy, tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện chủ trương lớn, cấp bách của Đảng về sắp xếp tinh gọn bộ máy
- Tập trung chỉ đạo thực hiện ngay Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn thành phố Việt Trì, các huyện Đoan Hùng, Cẩm Khê và thành lập thị trấn Tân Phú, huyện Tân Sơn; tiếp tục rà soát, sắp xếp các khu dân cư theo kế hoạch. Quá trình kiện toàn, sắp xếp cần thực hiện bài bản để ổn định tổ chức bộ máy, đồng bộ với thực hiện chính sách cho cán bộ, công chức, cán bộ dôi dư sau sắp xếp; đảm bảo các xã mới hoạt động bình thường ngay sau sắp xếp; lưu ý thực hiện chuyển giao tài chính ngân sách, đầu tư công, xử lý tài sản công,.... đảm bảo trình tự, thủ tục, tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí.
- Khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy về Phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh.
- Cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm thực chất các thủ tục, quy trình giải quyết TTHC còn rườm rà, gây tốn kém nguồn lực, thời gian cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án 06; đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực.
Thứ tám, Đối với các nội dung khác đại biểu HĐND tỉnh đề nghị giải trình, chất vấn; các thành viên UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh đã có báo cáo giải trình cụ thể; trả lời trực tiếp tại Hội trường và được Chủ tọa kỳ họp kết luận. Đối với nội dung đã được kết luận, những nội dung còn có tồn tại, khó khăn, vướng mắc, UBND tỉnh xin được tiếp thu để hoàn thiện, tập trung chỉ đạo, điều hành, đưa ra các biện pháp cụ thể khắc phục trong thời gian tới.
...
Để hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 và Nghị quyết HĐND tỉnh khóa 19 đã đề ra; đồng thời thực hiện còn nhiều nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách về tinh gọn bộ máy cơ quan Đảng, cơ quan chính quyền các cấp; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; do đó, đòi hỏi trong năm 2025 chúng ta phải hết sức nỗ lực phấn đấu.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức là rất lớn, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề; UBND tỉnh trân trọng đề nghị và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự đồng hành, giám sát của HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể; sự đồng thuận, ủng hộ, tạo điều kiện của đại biểu HĐND tỉnh, cử tri và Nhân dân trong toàn tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo, điều hành, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021 - 2025, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển mới của thời kỳ 2026 - 2030.