Sau khi HĐND tỉnh tiến hành miễn nhiệm; bầu bổ sung các chức vụ của HĐND và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026. HĐND tỉnh nghe UBND tỉnh trình bày Tờ trình về việc đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025; Tờ trình về việc thành lập, hợp nhất một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền trình bày tóm tắt Tờ trình về việc đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025
Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 05/02/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, trong đó giao mục tiêu tăng trưởng cho tỉnh Phú Thọ đạt từ 8% trở lên (cao hơn 0,5 điểm % HĐND tỉnh đã quyết nghị).
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 8%, đề nghị HĐND tỉnh xem xét, điều chỉnh 4 mục tiêu năm 2025, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8% trở lên. Tổng sản phẩm bình quân đầu người 74,8 triệu đồng trở lên (tăng 0,8 triệu đồng). Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 42,2%; dịch vụ 40,4%; nông lâm nghiệp, thủy sản 17,4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 59.550 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn trình bày tóm tắt tờ trình về việc ban hành Nghị quyết thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ
Theo Tờ trình về việc thành lập, hợp nhất một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, quá trình sắp xếp phải bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu, chủ trương, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ, Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; các quy định hiện hành của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; tên gọi là Sở Tài chính; tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất.
Hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; tên gọi là Sở Xây dựng; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất (chuyển nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ sang Công an tỉnh).
Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tên gọi là Sở Nông nghiệp và Môi trường; tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất và tiếp nhận thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.
Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ; tên gọi là Sở Khoa học và Công nghệ; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của 2 Sở trước khi hợp nhất (chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn, an ninh thông tin mạng chuyển sang Công an tỉnh; chuyển Cổng Thông tin điện tử tỉnh về Văn phòng UBND tỉnh).
Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ; tên gọi là Sở Nội vụ; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về lĩnh vực Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới. Chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về Tôn giáo sang Ban Dân tộc.
Thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; tên gọi là Sở Dân tộc và Tôn giáo.
Như vậy, sau khi hợp nhất, thành lập một số cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh Phú Thọ có 14 cơ quan chuyên môn, gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Thanh tra tỉnh.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Đinh Công Thực trình bày các báo cáo thẩm tra
Kỳ họp cũng nghe các Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất, bảo vệ đất trồng lúa tỉnh Phú Thọ; Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển đất tỉnh Phú Thọ; Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết bãi bỏ một số điều của Nghị quyết số 08/2024/NQ-HĐND ngày 11/12/2024 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Kiên điều hành phiên thảo luận tại hội trường
Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu đều bày tỏ thống nhất cao về các nội dung chuyên đề trình tại Kỳ họp. Các đại biểu đều khẳng định đây là các nội dung quan trọng, bảo đảm việc thực hiện các quy định của pháp luật và yêu cầu thực tiễn khách quan đặt ra.
Đặc biệt, làm rõ hơn cơ sở tính toán, điều kiện thực hiện; tính khả thi của phương án điều chỉnh điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025 lên 8%, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Thế Truyền đã phân tích các yếu tố tác động đến mục tiêu tăng trưởng năm 2025: Kinh tế nước ta tiếp tục xu hướng ổn định do nội lực, tiềm năng tăng trưởng còn có thể phát huy mạnh hơn; chủ trương đầu tư các dự lớn, tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án bất động sản sẽ thúc đẩy kích cầu đầu tư - tiêu dùng; nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư FDI và đầu tư doanh nghiệp tỉnh ngoài sẽ tạo ra sự gia tăng tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp trong thời gian tới. Bên cạnh đó hoạt động kinh tế các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, trong đó các dự án bổ sung năng lực mới; các dự án đầu tư; các lĩnh vực dịch vụ có dấu hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng các tháng gần đây. Do đó, khu vực công nghiệp và dịch vụ có thể tăng điểm tăng trưởng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: Mục tiêu này đặt ra trong điều kiện toàn tỉnh phải phát huy cao độ các lợi thế, xử lý kịp thời các vướng mắc, nhất là việc tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn tín dụng, đẩy nhanh tiến độ, nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp phải nêu cao sự chủ động, nỗ lực tìm kiếm thị trường, đảm bảo phát huy cao nhất năng lực sản xuất hiện có, bổ sung năng lực mới tăng thêm cho các dự án mới hoàn thành.

Đại biểu Vương Đức Thủy - Tổ đại biểu khu vực huyện Tam Nông thảo luận tại hội trường
Thảo luận về nguyên tắc, phạm vi, định mức hỗ trợ và sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất, bảo vệ đất trồng lúa, đại biểu Vương Đức Thuỷ - Tổ đại biểu khu vực huyện Tam Nông phân tích: Đến hết năm 2024, diện tích đất gieo trồng toàn tỉnh là 105.668ha, trong đó đất trồng lúa 57.998ha, chiếm 54,9% (so với đầu năm 2020 đất trồng lúa giảm 4.973ha (năm 2020 là 62.971ha)). Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh và mở rộng; các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư, xây dựng; phát triển các công trình, dự án chủ yếu lấy vào đất nông nghiệp. Nhiều địa phương do việc canh tác nông nghiệp kém hiệu quả đã chuyển đổi hoặc người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất... đã làm cho diện tích đất nông nghiệp, nhất là diện tích đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp, tiềm ẩn nguy cơ người dân làm nông nghiệp thiếu đất sản xuất. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều quy định, văn bản chỉ đạo nhằm quản lý, sử dụng đất nông nghiệp chặt chẽ, có hiệu quả, đặc biệt là đất trồng lúa. Do đó việc ban hành Nghị quyết quy định phạm vi, nguyên tắc, định mức hỗ trợ và sử dụng kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa tỉnh Phú Thọ (theo tinh thần Nghị định số 112 ngày 11/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết về đất trồng lúa) là cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Quang cảnh Kỳ họp
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về việc phân bổ chi tiết vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2025 và các nội dung quan trọng khác.