
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác đi thực địa dự án tuyến đường kết nối đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC9
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phùng Khánh Tài - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Báo cáo tình hình xây dựng và triển khai kịch bản tăng trưởng năm 2025; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh cho thấy: Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm 2025 của tỉnh Phú Thọ tiếp tục chuyển biến tích cực; sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định; công nghiệp tăng trưởng khá; thương mại, dịch vụ tăng cao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng kết luận tại buổi làm việc
Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương rà soát các nguồn lực, động lực, năng lực mới, xây dựng kịch bản tăng trưởng từ 8% năm 2025 trở lên. Qua rà soát cho thấy mục tiêu này có tính khả thi cao. Các động lực, năng lực mới, dư địa tăng trưởng đến từ các thể chế, chính sách, điểm nghẽn được tích cực tháo gỡ. Các động lực tăng trưởng qua 2 tháng đầu năm có dấu hiệu tích cực (công nghiệp tăng 47,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng >14%, xuất khẩu tăng 8,5%); các dự án trọng điểm về giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, một số dự án sản xuất được đẩy nhanh tiến độ.
Kế hoạch đầu tư công năm 2025 được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Tổng số nguồn vốn đầu tư công đã phân bổ đến nay là 2.787 tỷ đồng, đạt 101,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó: Ngân sách trung ương là 854 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 1.933 tỷ đồng. Đến hết ngày 28/2/2025, số vốn đã giải ngân 738 tỷ đồng, bằng 26,5% vốn đã giao. Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động; các khâu, các bước của dự án đầu tư được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ; trên cơ sở rà soát các dự án đầu tư công, dự án đầu tư ngoài ngân sách, các trụ sở, công sở dôi dư, tỉnh Phú Thọ đã ban hành kế hoạch để tổ chức thực hiện; trong đó đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, tổng hợp, xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn cho 6 dự án đầu tư tư nhân và 308 trụ sở dôi dư, hiện không sử dụng (chủ yếu còn tồn tại sau công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã); kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo quy định. Đến thời điểm báo cáo, các nội dung đã được rà soát, tổng hợp đảm bảo tính chính xác, đầy đủ theo yêu cầu. Thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát tổng thể, toàn diện các khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu phát biểu tại buổi làm việc
Tỉnh Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng 3 chương trình trong năm 2025 (hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu Quốc gia; xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo). Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng, sửa chữa được 1.258 căn nhà với nguồn vốn huy động đạt trên 130 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang đề xuất một số vấn đề liên quan đến triển khai quy định về kinh phí thực hiện dự án tái định cư; bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; triển khai phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang báo cáo tình hình xây dựng và triển khai kịch bản tăng trưởng năm 2025; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu khẳng định: Phú Thọ sẽ huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, có giải pháp cụ thể để thực hiện Kết luận số 123-KL/TW của BCH Trung ương và Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% theo chỉ tiêu mà Chính phủ giao.
Đồng chí mong muốn Phó Thủ tướng cùng các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho Phú Thọ trong giai đoạn tới; có phương án chỉ đạo xử lý các tài sản công của các đơn vị trung ương đóng trên địa bàn hiện không sử dụng; nghiên cứu, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng; đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có quy đinh, hướng dẫn cụ thể đối với việc ứng và khấu trừ kinh phí thực hiện dự án tái định cư do chủ đầu tư ứng trước; bổ sung nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, cấp kinh phí để triển khai đảm bảo tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025. Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy kiến nghị bàn giao lại Trường Cao đẳng công nghiệp thực phẩm về cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương, nghiên cứu sửa đổi Luật phá sản 2014 để tháo gỡ khó khăn cho 6 dự án đầu tư tư nhân đã tồn đọng từ lâu trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận chương trình làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng biểu dương và bày tỏ sự ấn tượng về tốc độ tăng trưởng, thay đổi rõ rệt của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. Nổi bật nhất là lĩnh vực sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, làm tốt công tác thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực FDI. Đồng chí nhận định: Hai bài học kinh nghiệm làm nên kết quả ấn tượng đó là sự đoàn kết, thống nhất của hệ thống chính trị và sự năng động, sáng tạo trong hoạch định chính sách, quyết liệt trong hành động của tập thể Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Đồng chí nhấn mạnh: Phú Thọ có tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển rất lớn nên ngoài việc chú trọng phát triển trong tỉnh, tỉnh phải đảm nhiệm sứ mệnh “cầu nối” cho các tỉnh trên trục hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tuy vậy, còn một số hạn chế mà Phú Thọ cần khắc phục như: Cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ; chênh lệch phát triển giữa các vùng cần được rút ngắn; chú trọng phát triển dự án công nghệ cao, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW và Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; làm tốt công tác tư tưởng, đảm bảo làm việc thông suốt, không để ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp. Với dư địa phát triển lớn, tỉnh Phú Thọ có thể phấn đấu vượt chỉ tiêu 8% tốc độ tăng trưởng. Để làm được điều đó, tỉnh cần tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh theo định hướng đã có của Chính phủ để tạo “đòn bẩy” cho kinh tế tư nhân phát triển, hạ tầng giao thông chiến lược cần được quan tâm, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội.
Đối với đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tặng quà cho tỉnh Phú Thọ
Trước đó, đoàn công tác đã đi thực địa dự án tuyến đường kết nối đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC9. Tuyến đường dài 2,7km, tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng. Diện tích đất thu hồi của dự án là 3,31ha; số hộ dân bị ảnh hưởng là 190 hộ (thuộc xã Hà Lộc và Phú Hộ của thị xã Phú Thọ). Phó Thủ tướng đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của tỉnh trong triển khai dự án. Đồng chí khẳng định: Đây là dự án giao thông quan trọng, khi hoàn thành sẽ nâng cao năng lực khai thác, giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả đầu tư các tuyến cao tốc, từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phú Thọ cần phối hợp với Bộ Xây dựng, chỉ đạo nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát đẩy nhanh tiến độ thi công và phải hoàn thành tuyến đường này trong năm 2025.

Quang cảnh buổi làm việc
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã kiểm tra dự án xây dựng Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Công trình có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, với quy mô 1.000 chỗ ngồi, gồm 3 tầng nổi, 1 tầng hầm và 1 tầng mái; diện tích xây dựng công trình gần 5.000m2. Đến nay đã hoàn thành 95% khối lượng phần thô. Nhà thầu đang tiến hành thi công những hạng mục kĩ thuật, nội thất bên trong. Khối lượng toàn bộ công trình đạt trên 70% so với kế hoạch. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Nhà văn hóa nghệ thuật là công trình trọng điểm của tỉnh, đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tạo điểm tham quan du lịch cho du khách thập phương khi về với Phú Thọ. Vì vậy chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn giám sát cần huy động tối đa nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ thi công đảm bảo kĩ, mĩ thuật, hoàn thành công trình trong tháng 8/2025.