Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thành Nam tham gia thảo luận tại Tổ
Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các ĐBQH cho biết: Việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát thải ròng bằng không vào năm 2050; đáp ứng định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Từ đó, thúc đẩy đầu tư tiết kiệm năng lượng và quản lý hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và giao thông.
Trong Dự án Luật đã bổ sung khái niệm mới “Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO)” - mô hình kinh doanh mới nhằm đầu tư thiết bị năng lượng cho người dùng và hoàn trả chi phí trong quá trình sử dụng; bổ sung các quy định về khen thưởng các tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng hiệu quả và hỗ trợ tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt ở các địa bàn khó khăn; đề xuất quản lý năng lượng theo “đầu ra” thay vì quản lý theo cách thức đơn thuần về chứng chỉ của người quản lý năng lượng.
Liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các đại biểu đồng tình thông qua Dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời khẳng định, việc sửa đổi đảm bảo minh bạch thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, góp phần chống rửa tiền và nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam; phù hợp với cam kết quốc tế tại FATF về phòng, chống rửa tiền nhằm tránh nguy cơ bị đưa vào “Danh sách Đen”.
Dự án Luật dự kiến sẽ sửa đổi thông tin chủ sở hữu hưởng lợi; bổ sung quy định về kê khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, tăng tính minh bạch và phù hợp với yêu cầu quốc tế; bãi bỏ yêu cầu nộp Phiếu lý lịch tư pháp khi đăng ký doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục; bỏ quy định về sử dụng chữ ký số và tài khoản đăng ký kinh doanh, thay vào đó áp dụng mã số định danh cá nhân; quy định viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn vào doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu…
Đại biểu Nguyễn Thành Nam - TUV, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ nhất trí cao với việc bổ sung các quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh hiệp nhằm đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính về phòng chống rửa tiền (FATF), tránh những tác động về kinh tế và môi trường kinh doanh. Đồng thời, đóng góp ý kiến về đăng ký doanh nghiệp; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong thực hiện quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương.
Liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, các đại biểu khẳng định, việc sửa đổi nhằm giải quyết các điểm nghẽn trong quản lý điều chỉnh quy hoạch do thay đổi địa giới hành chính và sắp xếp đơn vị hành chính; đảm bảo sự đồng bộ với các luật chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực tế.
Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi một số nội dung liên quan đến quy hoạch có tính kỹ thuật; bỏ cụm từ “quốc gia” tại Điều 1 và 2 của Luật Quy hoạch hiện hành; sửa đổi Điều 5 để quy định việc lập, thẩm định, công bố và thực hiện quy hoạch chuyên ngành theo pháp luật liên quan. Về phân cấp thẩm quyền, sẽ giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia để đảm bảo linh hoạt và phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đối với mâu thuẫn giữa các quy hoạch, đề xuất nguyên tắc xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp thẩm quyền, tránh chồng chéo và đảm bảo sự thống nhất trong thực thi…
Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho ý kiến về nguyên tắc lập quy hoạch; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn để không có khoảng trống pháp lý, vì quy hoạch tỉnh nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng do sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh dẫn đến sự thay đổi.