Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng chí nhấn mạnh: Giữ nguyên các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Lấy tăng trưởng kinh tế là mục tiêu hàng đầu, tuy nhiên cần phải quan tâm phát triển hài hòa các lĩnh vực phù hợp với điều kiện, lợi thế của tỉnh. Các cấp, ngành tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Tập trung thực hiện tốt khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, xác định lợi thế từng ngành, lĩnh vực để ưu tiên đầu tư.
Đồng chí lưu ý, cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế, tồn tại trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua để đề ra những giải pháp trong giai đoạn tới. Đặc biệt là phải tập trung xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình phát triển hằng năm đối với từng khu vực, dự án cụ thể. Trước mắt, để triển khai có hiệu quả các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với phát triển kinh tế, cần quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm nâng cao chất lượng, đời sống cho đội ngũ giáo viên.

Đồng chí Dương Hoàng Hương - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu ý kiến về thu hút nguồn lực đầu tư và phân bổ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công
Đối với tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, với cách làm có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh đã tranh thủ huy động được các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng ý với phương án phân bổ nguồn ngân sách như dự kiến, đồng chí yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục tranh thủ thu hút, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị. Riêng đối với nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất cần căn cứ vào tình hình thực tế hằng năm, trình HĐND tỉnh phân bổ cho phù hợp. Trong đó, cần chú trọng bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia, công trình trọng điểm và các dự án thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh…
Cho ý kiến về Đề án Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu khẳng định: Phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số là yêu cầu hết sức cần thiết, quan trọng trong giai đoạn hiện nay nhằm hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành của các cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư vào địa bản tỉnh.
Đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp ngành trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã trong thời gian qua và nhất trí với các nội dung của Đề án, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, trong đó cần xác định thứ tự ưu tiên đối với từng ngành, lĩnh vực để xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể, tránh dàn trải, không hiệu quả. Quan điểm là ưu tiên thực hiện đối với những ngành, lĩnh vực, địa phương trọng điểm trong điều kiện nguồn lực đáp ứng được yêu cầu và phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Đồng chí Bùi Đình Thi - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham gia ý kiến về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn tới
Đồng chí yêu cầu Sở Thông tin Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong quá trình xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, đồng bộ, tích hợp dữ liệu các ngành, lĩnh vực trên hệ thống dùng chung của tỉnh, đảm bảo thuận tiện trong việc giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Cùng với đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, cần quan tâm nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ quản trị, quản lý, vận hành hệ thống chính quyền điện tử. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong quá trình giải quyết các hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đối với chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở làm việc các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu nhất trí với quan điểm, chủ trương đầu tư xây dựng dự án. Về các bước thực hiện, giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai đảm bảo theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Nguồn lực đầu tư sử dụng từ nguồn đấu giá đất các trụ sở cũ của các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh, không sử dụng nguồn vốn đầu tư tập trung của tỉnh.
Đồng chí lưu ý, công trình phải tạo được điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan đô thị, là biểu tượng của thành phố Việt Trì, thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Đồng thời đảm bảo công năng sử dụng, hướng tới hiện đại hóa công sở của các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện mục tiêu cải cách, hiện đại hóa nền hành chính. Qua đó góp phần triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, tạo môi trường thuận lợi phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Sơn - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Việt Trì tham gia ý kiến về Đề án Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2021 - 2025,
định hướng đến năm 2030
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh chỉ đạo thực hiện đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 7,58%; trong đó nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,68%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,84%, dịch vụ tăng 6,79%. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 128,6 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2020 đạt 8.662 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, quy mô công nghiệp năm 2020 (giá hiện hành) đạt 25.692 tỷ đồng, tăng 1,85 lần so với năm 2015. Cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch từ các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường sang các ngành có giá trị gia tăng; thu hút, phát triển nhanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử quy mô lớn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành sớm gần 3 năm so với kế hoạch đề ra. Tính đến hết năm 2020 có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 122 xã nông thôn mới (tương đương 95 xã sau sáp nhập), tăng 103 xã; có 310 khu dân cư nông thôn mới, 4 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Đồng chí Trịnh Thế Truyền - TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày
báocáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020,
phương hướng nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động 3.741 tỷ đồng, đầu tư hoàn thành 1.247,8ha, chiếm 33% diện tích quy hoạch hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp đạt 55%. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chỉ số PCI tăng 13 bậc so với năm 2015, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố; xếp thứ 3 trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Chỉ số Cải cách hành chính PARINDEX tăng từ vị trí 11/63 năm 2015 lên vị trí thứ 10/63 năm 2020.
Trong 5 năm, tỉnh đã thu hút 746 dự án đầu tư, vốn đầu tư 105,5 nghìn tỷ đồng (658 dự án đầu tư trong nước); 88 dự án FDI, vốn đăng ký 847,8 triệu USD. Có trên 8.700 doanh nghiệp với vốn đăng ký gần 26 nghìn tỷ đồng, tăng thêm 3.500 doanh nghiệp, vốn đăng ký tăng 60% so với năm 2015. Các ngành dịch vụ phát triển nhanh, tốc độ phát triển bình quân hằng năm duy trì 6,5 - 7%. Hoạt động du lịch đã thu hút trên 2,5 triệu lượt khách du lịch lưu trú.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh là 27.706,1 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công thuộc ngân sách cấp tỉnh là 17.705,5 tỷ đồng, tăng 47,8% vốn trung hạn trung ương giao. Tổng số vốn kế hoạch đã giao giai đoạn 2016 - 2020 là 17.705,509 tỷ đồng, ước giải ngân kế hoạch trung hạn đã giao hết năm 2020 là 16.684 tỷ đồng, đạt 94,2%. Cơ cấu huy động vốn đầu tư chuyển dịch tích cực, tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm dần, từ 32,9% giai đoạn 2011 - 2025 xuống 20,3%, phù hợp với định hướng giảm dần đầu tư công và tăng tỷ trọng đầu tư tư nhân.
Đồng chí Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày Đề án Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2021 - 2025,
định hướng đến năm 2030
Lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục phát triển, hệ thống mạng lưới, các loại hình trường lớp mở rộng; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 89%. Mạng lưới y tế các tuyến được củng cố; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%. Công tác phòng chống dịch COVID-19 được chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ, linh hoạt, duy trì sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Công tác cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo, cơ chế quản lý và công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch, quản lý nhà nước được tăng cường. An sinh xã hội được chú trọng, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Đối với việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh, thời gian qua đã được tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống quản lý văn bản điện tử tích hợp chữ ký số được triển khai thống nhất trên toàn tỉnh. Tiết kiệm toàn tỉnh trên 12 tỷ đồng/năm. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai đồng bộ đến 100% xã, phường, thị trấn. Đến năm 2020, tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến mức độ 3 đạt 79%, mức độ 4 đạt 27%.
Mục tiêu của Đề án Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là chuyển đổi cơ bản hoạt động của chính quyền lên môi trường điện tử, môi trường số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư. Phấn đấu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 80% hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện; 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ, đảm bảo đạt các các chỉ tiêu theo yêu cầu của Chính phủ. Từng bước xây dựng chính quyền số trên nền tảng ứng dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn.
Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh