Việc thực hiện các CTMTQG đã có những tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đời sống người dân được cải thiện; diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã có sự thay đổi rõ nét. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã được đầu tư, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Thu nhập của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm với tỷ lệ khá; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao có bước phát triển; các chính sách an sinh xã hội được kịp thời thực hiện; người dân được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản; đã huy động được nguồn lực để triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh với tổng số 5.846.651 triệu đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho từng CTMTQG, như: CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN 784.381 triệu đồng; CTMTQG giảm nghèo 115.245 triệu đồng và CTMTQG xây dựng nông thôn mới 824.275 triệu đồng. Kết quả đạt được của từng CTMTQG cụ thể như sau:
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 07 đơn vị cấp huyện có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 06 đơn vị được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 136/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 1.641/2.040 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó số khu đạt chuẩn kiểu mẫu đạt 129 khu. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ cho tỉnh là 824.275 triệu đồng, tỷ lệ vốn đã giải ngân (đến hết 31/01/2024) là 709.436 triệu đồng, đạt 86,07% (trong đó vốn nước ngoài chưa giải ngân); nguồn vốn chưa giải ngân được phép kéo dài sang năm 2024 là 23.324 triệu đồng. Việc phân bổ các nguồn lực thực hiện Chương trình đảm bảo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cơ quan, địa phương; phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường quản lý, sử dụng và lồng ghép các nguồn vốn từ các CTMTQG và các chính sách, chương trình, đề án giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; giảm thiểu tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp về phạm vi, đối tượng; tránh thất thoát lãng phí và phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 10/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025; 5 chỉ tiêu chưa đánh giá; huyện Thanh Sơn có 15/24 chỉ tiêu đạt kế hoạch; huyện Tân Sơn có 15/24 chỉ tiêu đạt kế hoạch; huyện Yên Lập có 13/23 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Đến hết tháng 01/2024, tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương được 512 tỷ đồng/KH 784 tỷ đồng đạt 65%. Tổng số vốn phải chuyển nguồn thực hiện năm 2024 là 272 tỷ đồng. Cơ bản nguồn vốn đầu tư được các huyện giải ngân đạt kế hoạch đề ra.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025): (i) Năm 2021: Tỷ lệ hộ nghèo 5,88%; tỷ lệ hộ cận nghèo 4,67%; (ii) Năm 2022: Tỷ lệ hộ nghèo 5,19% (giảm 0,69%, vượt kế hoạch); tỷ lệ hộ cận nghèo 4,18% (giảm 0,49%, vượt kế hoạch); (iii) Năm 2023: Tỷ lệ hộ nghèo 4,44% (giảm 0,75%, vượt kế hoạch); tỷ lệ hộ cận nghèo 3,60% (giảm 0,58%, vượt kế hoạch). Chương trình gồm có 07 dự án thành phần, trong đó tỉnh Phú Thọ triển khai 5/7 dự án thành phần (Dự án 1, 5 tỉnh Phú Thọ không có đối tượng). Tổng vốn ngân sách Trung ương phân bổ 115.245 triệu đồng (Vốn đầu tư phát triển 4.943 triệu đồng; vốn sự nghiệp 110.302 triệu đồng), trong đó: Năm 2022 là 32.866 triệu đồng (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 1.095 triệu đồng; vốn sự nghiệp 31.771 triệu đồng), giải ngân đến 31/01/2024: Vốn sự nghiệp 13.949 triệu đồng, đạt 43,9%. Năm 2023 là 80.310 triệu đồng (Bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 3.848 triệu đồng; vốn sự nghiệp 76.462 triệu đồng), giải ngân đến 31/01/2024: Vốn sự nghiệp 27.668 triệu đồng, đạt 36,19%. Việc thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực. Đã triển khai các dự án hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ sản xuất và hỗ trợ phát triển sản xuất tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho người nghèo. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Hỗ trợ tiếp cận, can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi; can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ học đường. Đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo;...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong việc thực hiện các CTMTQG vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, như: Tiến độ giải ngân vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án của các CTMTQG còn chậm, phải chuyển nguồn sang năm sau, tạo áp lực lớn cho việc giải ngân các CTMTQG trong hai năm 2024 - 2025. Nhiều địa phương đề nghị điều chuyển nguồn vốn giữa nội dung của các dự án, tiểu dự án hoặc đề nghị trả lại ngân sách làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện mục tiêu của các CTMTQG. Việc thanh quyết toán nhiều địa phương còn chậm; việc sử dụng nguồn kinh phí của một số nội dung đã thực hiện nhưng chưa đúng quy định và các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Vẫn còn tình trạng rà soát bỏ sót đối tượng thụ hưởng do cách hiểu chưa đúng về đối tượng hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ của các nội dung thuộc Dự án 1 của CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Trong CTMTQG giảm nghèo bền vững còn một số địa phương rà soát, thống kê đối tượng thụ hưởng chính sách chưa chính xác; có tiểu dự án không triển khai thực hiện được; đối tượng triển khai thực hiện Dự án 4 còn bị trùng lặp giữa cấp huyện và cấp tỉnh và giữa các CTMTQG. Về CTMTQG xây dựng nông thôn mới: Công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương kết quả còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; còn tư tưởng trông chờ vào đầu tư từ ngân sách nhà nước. Công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế và khó khăn; kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ở một số địa phương còn chậm, nhất là việc đầu tư các thiết chế văn hóa; việc thu gom xử lý chất thải rác thải, nước thải ở một số địa phương còn chưa tốt, gây ô nhiễm môi trường; vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai có hiệu qủa các CTMTQG trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
Sớm kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm xem xét điều chỉnh hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện để thực hiện các CTMTQG nhất là CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS&MN.
Tăng cường chỉ đạo và có giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện của các CTMTQG trong năm 2024 trên địa bàn tỉnh bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tránh dàn trải, thất thoát, lãng phí và theo đúng các nguyên tắc. Không điều chỉnh nguồn vốn các CTMTQG khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực đầu tư cho tiêu chí thông tin truyền thông, trong đó tập trung đối với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cấp đồng bộ hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Rà soát lại tất cả các nội dung, các dự án thuộc CTMTTQG đã và đang triển khai thực hiện; tổng hợp, báo cáo những nội dung, dự án đang thực hiện còn vướng mắc và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ trong quá trình thực hiện. Các huyện, thành, thị rà soát, tổng hợp báo cáo những vướng mắc, tồn tại trong việc sử dụng nguồn vốn liên quan đến thanh toán, quyết toán vốn, nợ của các CTMTQG; đầu tư xây mới một số hạng mục công trình chưa đúng quy định và đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời, không để kéo dài.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các dự án, tiểu dự án, gắn với lồng ghép các chương trình, dự án khác đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách để thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới một cách hiệu quả; huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình, vận động Nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất,… để tập trung phát triển hệ thống hạ tầng cơ bản (giao thông, thủy lợi, nước sạch, môi trường, công trình văn hóa,…) ở nông thôn.
Các cơ quan chuyên môn tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan chủ quản của CTMTQG, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các địa phương để thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các CTMTQG tại các địa phương, đơn vị; kịp thời phát hiện và có giải pháp kiến nghị, đề xuất đối với những nội dung vượt thẩm quyền để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các CTMTQG.
Đ/c Dương Hoàng Hương
Ủy Viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh