Các nền tảng số quốc gia, các nền tảng số dùng chung, thống nhất trong từng ngành, lĩnh vực từng bước được triển khai, nhân rộng là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh. Phát huy sự sáng tạo của người dân trong xã hội số, luôn đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ, mang lại tiện ích, hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp và chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và quyết tâm nỗ lực của các cấp, ngành, Phú Thọ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công cuộc chuyển đổi số góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023, chỉ số PCI, Phú Thọ xếp hạng thứ 10; chỉ số PAR Index xếp hạng thứ 9 trên 63 tỉnh, thành phố. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Cung cấp 2.004 thủ tục hành chính, trong đó, 84% thủ tục hành chính được cung cấp theo hình thức trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt 81,1% tăng 75,5% so với năm 2020.
Đề án 06: Cấp trên 1,3 triệu thẻ căn cước công dân, trong đó, đã kích hoạt trên 876 nghìn tài khoản định danh điện tử; hoàn thành việc nhập dữ liệu hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, với hơn 1,18 triệu dữ liệu.
Hạ tầng số đứng thứ 06/63 tỉnh thành về phát triển hạ tầng số. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 81,94%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp qua băng rộng đạt 72,74%. Về Phát triển Kinh tế số, năm 2023, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện với tổng giá trị: đạt 8,6 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,2 tỷ USD; ước cả năm 2024 đạt 12,5 tỷ USD. Năm 2023, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông “Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP” của tỉnh đạt 15,43%.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn có những khó khăn, hạn chế: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu mới ở bước đầu; việc liên thông chia sẻ dữ liệu nhất là cở sở dữ liệu chuyên ngành của các Bộ ngành với địa phương còn chưa liên thông đồng bộ; thủ tục hành chính chưa thực sự được đơn giản hóa; tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ trực tuyến chưa đạt được theo kỳ vọng; việc số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính mới thực hiện ban đầu.
Để chuyển đổi số là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện các dịch vụ công. Khai thác và sử dụng có hiệu quả các hạ tầng, ứng dụng dùng chung của tỉnh; Xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính quyền số (Dân cư; Đăng ký kinh doanh; Đất đai; Hộ tịch; Tài chính, Bảo hiểm), các CSDL chuyên ngành đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ và thống nhất từ trung ương tới địa phương.
Hai là, ban hành cơ chế thực hiện, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ba là, đẩy mạnh triển khai ứng dụng các công nghệ dẫn dắt như: AI, Blockchain, Big Data,… vừa phục vụ công tác quản lý nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, vừa thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Bốn là, phát huy hiệu quả của các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp những kiến thức, kỹ năng số cần thiết khi tiếp cận, sử dụng, ứng dụng CNTT trong giao dịch với các cơ quan nhà nước, sản xuất - kinh doanh và trong đời sống.
Năm là, chú trọng triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước. Khai thác và sử dụng hiệu quả Trung tâm điều hành giám sát an ninh mạng nhằm cảnh báo sớm về các nguy cơ lộ, lọt thông tin; nâng cao nhận thức đối với người dân và doanh nghiệp về các nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng, đưa ra các cảnh báo, hướng dẫn xử lý khi xuất hiện các hình thức lừa đảo trên không gian mạng,…
Nguyễn Minh Tường
TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông