
Dây chuyền sản xuất may mặc của Công ty TNHH Sunrise Công nghiệp Việt Nam,
tại Khu Công nghiệp Cẩm Khê.
Ngay sau khi Nghị quyết số 43 được ban hành, Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. HĐNĐ, UBND tỉnh đã kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện; các cấp, các ngành chủ động xây dựng và thực hiện các phương án, kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19; khẩn trương triển khai các chính sách cụ thể của Nghị quyết đã tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì đà tăng trưởng trong và sau khi đại dịch được kiểm soát.
Công tác triển khai, thực hiện tiêm vắc xin cho các đối tượng nhanh chóng, đảm bảo theo yêu cầu. Việc lãnh đạo, chỉ đạo hướng trọng tâm vào các lĩnh vực có điều kiện phát triển hơn để bù đắp cho các lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh, đồng thời thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên kinh tế - xã hội của tỉnh sớm phục hồi và trở về trạng thái bình thường mới.
Các cấp, các ngành đã thực hiện ngay các gói chương trình hỗ trợ của Nghị quyết, đặc biệt là việc tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân thông qua 2 chính sách lớn là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, như: Giảm thuế cho 4.376 người nộp thuế với tổng số thuế giá trị gia tăng giảm 1.317,3 tỷ đồng. Thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất cho 783 người nộp thuế, với số tiền 391,8 tỷ đồng; miễn giảm 1.982,9 tỷ đồng tiền thuế. Sớm triển khai thực hiện Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đến nay, đã thực hiện giảm thuế cho trên 640 người nộp thuế, với số tiền 44,7 tỷ đồng.
Việc thực hiện hỗ trợ lãi suất (HTLS) được tỉnh chỉ đạo ngành Ngân hàng thực hiện kịp thời, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Phú Thọ (NHNN tỉnh) đã sớm triển khai các văn bản của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách lãi suất linh hoạt, giảm dần mặt bằng lãi suất trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn giảm từ 0,5-2%/năm. Thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, kết quả đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ đạt 658.409 triệu đồng, với 73 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tổng số 106 khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ lũy kế (cá nhân 98 khách hàng, doanh nghiệp 08 khách hàng); không có khách hàng không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Việc khẩn trương, quyết liệt triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã giúp giảm nghĩa vụ tài chính, giảm chi phí sản xuất, góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh linh hoạt, chủ động sử dụng dòng tiền phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao; kích cầu tiêu dùng, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định việc làm cho người lao động, tạo nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội, lao động việc làm cho người dân và doanh nghiệp: Các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo, hằng năm hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách cho hộ nghèo vay vốn. Tính đến 30/11/2023, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội là 262,39 tỷ đồng và tiếp tục thực hiện các chương trình: (i) Chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm kế hoạch giao 350 tỷ đồng; (ii) Chương trình cho vay nhà ở xã hội kế hoạch giao 206,98 tỷ đồng; (iii) Chương trình cho vay HSSV mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến kế hoạch giao 33,61 tỷ đồng; (iv) Chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kế hoạch giao 15,3 tỷ đồng; (v) Chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập kế hoạch giao 1,53 tỷ đồng. Thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, kết quả đến ngày 31/8/2022, toàn tỉnh đã giải ngân kinh phí hỗ trợ cho người lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách tại 85 doanh nghiệp với 3.822 người lao động, kinh phí 5.794.000.000 đồng (chiếm 78,11% so với tổng kinh phí dự kiến ban đầu). Làm tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất lũy kế là 1.386 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 912 tỷ đồng; số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 12 tỷ đồng. Thực hiện cho vay trả lương ngừng việc theo Nghị quyết số 42/NQ-CP, Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ với 04 khách hàng có nhu cầu và đủ điều kiện để vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 316 triệu đồng (với 67 lao động với 201 lượt được thụ hưởng chính sách); cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua với số tiền là 95 tỷ đồng, số tiền đã được giải ngân là 26,4 tỷ (là 01 trong 06 tỉnh có kết quả triển khai sớm).
Thực hiện hiệu quả chính sách đầu tư, phát triển, nhất là chỉ đạo các chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn Ngân sách Trung ương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để tranh thủ huy động nguồn vốn đầu tư phát triển từ Chương trình phục hồi cho các dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với các dự án được Thủ tướng Chính phủ bố trí và bổ sung vốn. Kết quả các công trình đã thực hiện và giải ngân 1.554/1.690 tỷ đồng, đạt 92% nguồn vốn bổ sung (13/17 dự án giải ngân 100%), nguồn vốn chưa hoàn thành giải ngân trong năm 2022 là 136 tỷ đồng (chiếm 8% nguồn bổ sung). Năm 2023, sau khi giao 282 tỷ đồng cho Dự án đầu tư 08 bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh Phú Thọ đã kịp thời điều hòa 180/282 tỷ đồng từ dự án nêu trên cho 03 công trình, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 (ước đến 31/01/2024 giải ngân 190/282 tỷ đồng, đạt 68% (trong đó vốn điều chuyển, điều hòa đạt 100%); đồng thời đã bố trí hoàn trả 180 tỷ đồng từ kế hoạch năm 2024 của 03 công trình, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án thuộc lĩnh vực y tế theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. Nguồn vốn bổ sung từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã giúp tỉnh Phú Thọ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cơ bản hoàn thành trong năm 2023 đối với 07/20 dự án trọng điểm được hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025.
Do triển khai có hiệu quả các chính sách của Nghị quyết, kết quả đến năm 2023 tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát hoàn toàn; tăng trưởng kinh tế của tỉnh duy trì mức tăng khá 7,58% (cao hơn mức tăng 3,75% của năm 2020, 6,31% của năm 2021); nằm trong nhóm 15 địa phương có tốc độ tăng khá trong cả nước, đứng thứ 03/14 tỉnh vùng trung du và miềm núi phía Bắc. Các chính sách được thực hiện ngay, đã kịp thời hỗ trợ những đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống, trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững trật tự an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết số 43 của Quốc hội vẫn còn những hạn chế, vướng mắc: Việc hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua các ngân hàng thương mại đạt thấp. Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 43, các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo cần triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; cơ cấu lại vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, ưu tiên bố trí sử dụng vốn ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện, đầu tư hoàn thành các dự án lớn, các dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh. Tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân để phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khu du lịch; khu đô thị, nhà ở; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao. Chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, đặc biệt là phấn đấu hoàn thành các dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong năm 2024 theo quy định tại Nghị quyết số 43 và Nghị quyết số 11.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với các hàng hóa, dịch vụ đến 30/6/2024; tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024 theo Nghị quyếtsố 42/2023/UBTVQH15 cho doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ đang được tiếp tục thực hiện; các chính sách hỗ trợ người lao động của Quốc hội, Chính phủ trong năm 2024 để đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội khóa XV.
Đẩy mạnh huy động vốn, giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết, đặc biệt là việc thông tin truyền thông, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các hệ thống cơ sở dữ liệu để triển khai các chính sách hỗ trợ.
Đ/c Nguyễn Thành Nam
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ
Nguyễn Thành Nam