Việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL được thực hiện quyết liệt, tính đến hết ngày 31/12/2023, tỉnh Phú Thọ có 1004 ĐVSNCL, giảm 134 đơn vị so với năm 2015. Năm 2020, thành lập Bệnh viện Sản nhi trực thuộc Sở Y tế, là ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đáp ứng yêu cầu thành lập mới tại Nghị quyết số 19. Đồng thời trong thời gian đó, tỉnh đã thực hiện giải thể 17 ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả.
Công tác quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt hiệu quả, hằng năm UBND tỉnh đã kịp thời trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết phê duyệt số lượng người làm việc trong các ĐVSNCL của tỉnh theo đúng thẩm quyền; đồng thời quyết định giao số lượng người làm việc, hợp đồng lao động và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện ổn định biên chế, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả biên chế được giao. Việc sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp và lao động hợp đồng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, cơ bản đáp ứng được số lượng biên chế cho các ĐVSNCL, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo biên chế cho ngành giáo dục, y tế thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đảm bảo đúng nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thời hạn giải quyết tinh giản biên chế. Kết quả, trong 5 năm đã giảm được 761 viên chức sự nghiệp góp phần làm tinh gọn bộ máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc, ý thức trách nhiệm của đội ngũ viên chức. Số lượng cấp phó của các ĐVSNCL cơ bản đảm bảo theo quy định của Nghị định 120/2020/NĐ-CP.
Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng nâng lên, công tác tuyển dụng viên chức được chuẩn hóa trong cách thức, quy trình thực hiện, hình thức thi tuyển, xét tuyển phù hợp với việc đánh giá năng lực và kỹ năng làm việc của người được tuyển dụng. Việc bố trí, sử dụng, phân công nhiệm vụ bảo đảm phù hợp giữa quyền hạn và trách nhiệm được giao với chức danh nghề nghiệp viên chức, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm. Sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ ít nhất 65%. Địa phương quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện về chế độ, chính sách, chú trọng chính sách thu hút nhân tài, người có chuyên môn nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong ĐVSNCL; chú trọng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức để đáp ứng tốt yêu cầu công việc thực tiễn.
Cùng với đó các ĐVSNCL đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các ĐVSNCL sau khi sắp xếp. Việc rà soát, sắp xếp lại nhân sự, bố trí sử dụng viên chức cơ bản phù hợp theo cơ cấu, vị trí việc làm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Việc quản lý biên chế viên chức trong các cơ quan, đơn vị thực hiện theo đúng quy định về quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc giao hàng năm không vượt chỉ tiêu do Bộ Nội vụ thẩm định.
Tuy nhiên, cơ chế, chính sách về đổi mới hệ thống cơ sở ĐVSNCL còn chưa đồng bộ, thống nhất tạo đột phá; chưa có quy hoạch tổng thể về mạng lưới các ĐVSNCL; một số cơ sở sự nghiệp công lập còn thiếu biên chế nhất là ngành giáo dục và y tế; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu theo ngành, lĩnh vực; định mức kinh tế - kỹ thuật khung giá đối với từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công, hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ tài chính; ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong các lĩnh vực sự nghiệp,... Do đó chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện, gây khó khăn và ảnh hưởng đến kết quả sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL và đẩy mạnh cơ chế tự chủ, xã hội hóa cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo yêu cầu của Nghị quyết số 19.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 19, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật để sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan (Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Tổ chức chính quyền địa phương,...) nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc về thể chế đã nảy sinh đang là rào cản đối với việc sắp xếp, tổ chức lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL.
Hai là, các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở Trung ương cần tiếp tục rà soát và quyết liệt chỉ đạo sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật còn nợ, còn thiếu đồng bộ, mâu thuẫn giữa các nhóm chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động, tinh giản biên chế, tự chủ hóa và xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, năng lực quản trị của ĐVSNCL, giảm chi ngân sách nhà nước. Nhất là xây dựng ban hành và đẩy nhanh quá trình thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước để đảm bảo cho các ĐVSNCL cân đối thu chi và thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Ba là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL do địa phương quản lý theo Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 19 của Trung ương, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp tổ chức hành chính và ĐVSNCL theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ cấp trung gian, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và khoa học - công nghệ tiên tiến. Các đơn vị sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm; phương thức quản lý theo hướng tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ; tiếp tục đẩy nhanh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần theo quy định; đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL theo hướng phân định rõ việc phục vụ quản lý nhà nước với quản trị ĐVSNCL và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Bốn là, thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các ĐVSNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ và bảo đảm một phần chi thường xuyên. Song song với đó là đảm bảo nguồn lực cơ sở vật chất, bổ sung, đáp ứng đầy đủ số lượng biên chế còn thiếu theo định mức của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục giao và các cơ quan trung ương; đổi mới việc phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tập trung cho dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, người gặp khó khăn trong cuộc sống, đồng thời đẩy mạnh cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công. Chú trọng chính sách thu hút nhân tài, người có chuyên môn nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong ĐVSNCL.
Năm là, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu ĐVSNCL trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, đổi mới mô hình quản lý, bảo đảm chất lượng cung ứng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện tự chủ của đơn vị. Thực hiện sắp xếp số lượng cấp phó của người đứng đầu ĐVSNCL, cấp phó các phòng thuộc ĐVSNCL theo đúng quy định; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ viên chức để đáp ứng tốt yêu cầu công việc thực tiễn. Rà soát, hoàn thiện quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế quản lý tài chính, tài sản và các quy định nội bộ khác, trong đó xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân; hoàn thiện chế độ kế toán, thực hiện chế độ kiểm toán, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của ĐVSNCL.
Đ/c Nguyễn Thành Nam
TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh