Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên
Để các quyết sách của HĐND thành phố phát huy hiệu quả thiết thực, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, cần xác định những nội dung, lĩnh vực, đặc biệt làm rõ mục đích của việc ban hành nghị quyết, đối tượng và mức độ tác động đến đối tượng, các nguồn lực, khả năng của địa phương có bảo đảm nghị quyết được thực thi hay không và những tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, trước mỗi kỳ họp, các Ban của HĐND thành phố cần tổ chức khảo sát thực tế, giám sát trực tiếp về kết quả triển khai, thực hiện nghị quyết ở các cơ quan chuyên môn và quận, huyện, nắm bắt dư luận xã hội để có nhiều thông tin; các Ban của HĐND cần được mời tham gia ý kiến ngay từ khi dự thảo các đề án, tờ trình để tham gia ý kiến và chuẩn bị tốt cho công tác thẩm tra sau này.
Trên cơ sở kế hoạch tổ chức kỳ họp đã được HĐND thành phố thông qua, đã xác định được ban hành nghị quyết chuyên đề nào, UBND sớm phân công các cơ quan chủ trì tham mưu soạn thảo, cơ quan phối hợp, Thường trực HĐND có định hướng phân công Ban phụ trách theo dõi ngay từ ban đầu, có thể giám sát, khảo sát để thu thập thông tin thực tiễn liên quan đến nội dung sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề. Đối với những chính sách lớn, có tầm ảnh hưởng lớn đến số đông, Thường trực HĐND có thể tổ chức khảo sát, TXCT chuyên đề hoặc tổ chức lấy ý kiến của nhà khoa học và các đối tượng chịu tác động.
Việc ban hành chính sách cần thiết phải có sự tính toán, cân đối, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, để thực hiện như vậy đòi hỏi Thường trực, các Ban HĐND cần lắng nghe, nắm bắt thông tin từ nhiều phía, nhiều chiều liên quan đến chính sách chuẩn bị ban hành để có quyết định đúng đắn. Báo cáo thẩm tra tập trung phân tích, phản biện và nêu rõ chính kiến; đối với những vấn đề chưa rõ ràng, chưa đủ cơ sở pháp lý, các Ban kiến nghị không đưa vào chương trình kỳ họp để chuẩn bị kỹ, trình vào kỳ họp sau nhằm bảo đảm tính khả thi của nghị quyết.
Ngoài việc HĐND ban hành các cơ chế, chính sách thể chế hóa các văn bản của Đảng, Trung ương mang tính thường xuyên, Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ còn nhắc UBND thành phố trình HĐND ban hành các chính sách theo nguyện vọng của cử tri, phù hợp với phát triển, kinh tế - xã hội của địa phương. Sau khi chính sách được ban hành, các cơ quan HĐND đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai, giám sát việc thực hiện, từ đó có ý kiến đến UBND thành phố để bảo đảm chính sách được thực hiện nghiêm túc, kịp thời và hiệu quả.
Lắng nghe ý kiến người dân - một kênh thông tin quan trọng trong việc quyết định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Xem xét quy định một số nội dung còn bất cập
Liên quan đến việc thực hiện chức năng quyết định, Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ cho rằng, cần xem xét quy định một số nội dung còn bất cập của Luật Đất đai, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn (đối với trường hợp các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách).
Cụ thể, Quy định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 33 của Luật Đầu tư được quy định tại điểm a, điểm b Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26.3.2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư, trong hồ sơ quy định phải có “Bản sao Danh mục dự án thu hồi đất đã được HĐND cấp tỉnh thông qua”.
Điều kiện để HĐND thông qua danh mục thu hồi đất đối với dự án do ngân sách nhà nước thực hiện thì phải có “quyết định mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng” theo quy định tại điểm đ Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; đối với dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước thì ký quỹ thực hiện theo Khoản 1 Điều 43 Luật Đầu tư và Khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP: “Để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, danh mục dự án thu hồi đất do HĐND cấp tỉnh thông qua không thể có trước quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hay, Điều 63 Luật Đất đai 2013 quy định căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng căn cứ vào: (1) Dự án thuộc các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này; (2) Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (3) Tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án. Theo đó, căn cứ thu hồi đất phải có “Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Tuy nhiên, Khoản 3 Điều 45 Luật Đất đai 2013 quy định: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại Khoản 3 Điều 62 của Luật này trước khi phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện”. Do đó, có sự mâu thuẫn giữa các điều khoản thực hiện.
Theo Báo Đại biểu nhân dân